Thông tư 68/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 68/2015/TT-BTNMT
Ngày ban hành 22/12/2015
Ngày có hiệu lực 15/02/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Linh Ngọc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2015/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐO ĐẠC TRỰC TIẾP ĐỊA HÌNH PHỤC VỤ THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ TỶ LỆ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong công tác đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ việc lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ sản xuất về lĩnh vực đo vẽ bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý sử dụng phương pháp đo đạc trực tiếp hoặc sử dụng các phương pháp đo đạc khác nhưng có kết hợp với phương pháp đo đạc trực tiếp địa hình.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Lưới tọa độ quốc gia là lưới khống chế tọa độ thống nhất trong toàn quốc phục vụ đo vẽ bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, thành lập cơ sở dữ liệu nền địa lý và các loại bản đồ chuyên đề khác và nghiên cứu khoa học. Lưới tọa độ quốc gia bao gồm: Lưới tọa độ cấp “0”, lưới tọa độ hạng I, II và III.

2. Lưới độ cao quốc gia là lưới khống chế về độ cao thống nhất trong toàn quốc, được đo theo phương pháp đo cao hình học, là cơ sở để xác định độ cao phục vụ đo vẽ bản đồ địa hình, nghiên cứu khoa học. Lưới độ cao quốc gia bao gồm lưới độ cao hạng I, II, III và IV.

3. Lưới khống chế cơ sở là lưới khống chế tọa độ, độ cao, được phát triển từ lưới tọa độ, độ cao quốc gia phục vụ lập lưới khống chế đo vẽ và đo đạc chi tiết một khu vực cụ thể.

4. Lưới khống chế đo vẽ là lưới khống chế tọa độ, độ cao được phát triển từ lưới khống chế cơ sở hoặc lưới cấp cao hơn phục vụ cho việc đo đạc chi tiết khu đo.

5. Công nghệ GNSS là công nghệ định vị, dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh toàn cầu (Global Navigation Sattelite System - GNSS).

6. Công nghệ đo GNSS tĩnh (Static) là phương pháp định vị tương đối, sử dụng 2 hoặc nhiều máy thu tín hiệu vệ tinh GNSS đặt cố định trên 2 hoặc nhiều điểm cần đo để thu trị đo Code (Coarse/Acquisition Code) và trị đo Phase (Carrier phase) từ các vệ tinh trong khoảng thời gian đủ dài phục vụ cho việc lập lưới khống chế trắc địa.

7. Kỹ thuật đo GNSS động (Kinematic GNSS) là phương pháp đo có bản chất như đo GNSS tĩnh với 1 máy đặt cố định (Base station) và một hoặc nhiều máy di động (Rover stations). Sau khi thực hiện kỹ thuật khởi đo tại trạm cố định, máy di động tiếp cận đến các điểm cần đo, thực hiện việc thu túi hiệu vệ tinh trong thời gian rất ngắn (một vài trị đo) nhưng vẫn đạt được độ chính xác về tọa độ, độ cao cỡ cm.

8. Kỹ thuật đo GNSS động thời gian thực (Real Time Kinematic GNSS) là phương pháp trong đó số liệu được xử lý, tính được tọa độ trong hệ tọa độ địa phương ngay tại thực địa.

9. Kỹ thuật đo GNSS động xử lý sau (Post Processing Kinematic GNSS) là phương pháp trong đó tọa độ, độ cao trong hệ tọa độ địa phương của điểm đo được tính toán sau khi xử lý số liệu đo trong phòng.

10. Máy toàn đạc điện tử là thiết bị đo tích hợp chức năng đo góc và đo chiều dài chính xác, số liệu đo được đọc tự động, hiển thị trên màn hình và có thể ghi lại được dưới dạng tệp số liệu trong cùng một thiết bị.

11. Máy thủy chuẩn điện tử là thiết bị đo truyền độ cao theo phương pháp thủy chuẩn hình học nhưng sử dụng cặp mia mã vạch, cho phép đọc số trên mia một cách tự động, được ghi lại dưới dạng tệp số liệu.

12. Mô hình Geoid là tập hợp số liệu biểu thị vị trí không gian của mặt đẳng thế gốc (W0) so với mặt Ellipsoid tham chiếu trong hệ quy chiếu Trái đất. Mô hình Geoid được sử dụng để xác định độ cao thủy chuẩn của các điểm khi đo bằng công nghệ GNSS.

Điều 4. Các quy định chung về phương pháp đo đạc trực tiếp

1. Phương pháp đo đạc trực tiếp địa hình được áp dụng đối với các khu vực có diện tích nhỏ, được yêu cầu đo vẽ với độ chính xác cao. Kết quả đo đạc ghi nhận dưới dạng số hoặc trên giấy phù hợp với việc lập bản đồ địa hình dạng số và xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý.

[...]