Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 68/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải kèm theo Nghị định 109/2014/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 68/2015/TT-BGTVT
Ngày ban hành 06/11/2015
Ngày có hiệu lực 01/01/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2015/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẢNG BIỂN VÀ LUỒNG HÀNG HẢI BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2014/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 109/2014/NĐ-CP).

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải (sau đây gọi chung là công trình hàng hải) ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ công trình hàng hải.

Điều 3. Chấp thuận nội dung trong quy hoạch có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về nội dung quy hoạch có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, Bộ Giao thông vận tải có văn bản lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản tham gia ý kiến về nội dung quy hoạch có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải gửi Bộ Giao thông vận tải.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời về nội dung quy hoạch có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 4. Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải

1. Công trình thiết yếu bao gồm:

a) Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Công trình phục vụ quản lý, khai thác công trình hàng hải;

c) Công trình đường bộ (cầu vượt trên cao, hầm ngầm vượt sông), đường dây điện, viễn thông, cáp treo, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí, các công trình ngầm, giàn khoan, phong điện, thủy điện, nhiệt điện và các công trình tương tự khác.

2. Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải được thực hiện trong trường hợp không thể xây dựng ngoài phạm vi bảo vệ của công trình hàng hải, được chủ công trình hàng hải thống nhất và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

3. Trước khi lập đề xuất dự án, lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình thiết yếu, chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị được chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải đến Cục Hàng hải Việt Nam. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải (bản chính) theo Mẫu số 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản vẽ mặt bằng tổng thể công trình;

c) Thuyết minh sự cần thiết xây dựng công trình và thời gian khai thác, sử dụng công trình; đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình thiết yếu đến điều kiện an toàn, điều kiện khai thác công trình hàng hải hiện hữu;

d) Biên bản thống nhất với chủ công trình hàng hải nơi công trình thiết yếu sẽ xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

4. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải có hướng dẫn chủ đầu tư công trình thiết yếu hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

5. Chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải theo Mẫu số 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi chủ đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

[...]