Thông tư 63/2017/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 63/2017/TT-BTC
Ngày ban hành 19/06/2017
Ngày có hiệu lực 15/08/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ban Thanh tra nhân dân cấp xã).

2. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước.

3. Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước.

Điều 3. Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và nguồn kinh phí bảo đảm

1. Đối với Ban Thanh tra nhân dân cấp xã: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, mức tối thiểu 5 triệu đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã để Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động.

2. Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Thủ trưởng cơ quan nhà nước quyết định, bố trí trong phạm vi dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.

3. Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định, bố trí trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị, bao gồm dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, nguồn thu của đơn vị và số thu được để lại (nếu có).

4. Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp bố trí theo khả năng tài chính và được hạch toán vào các khoản chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Điều 4. Nội dung chi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

1. Chi tổ chức cuộc họp, hội nghị.

2. Chi công tác phí phục vụ các cuộc giám sát, xác minh.

3. Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xác minh vụ việc theo kế hoạch công tác được duyệt.

4. Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị (nếu có).

5. Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm.

6. Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Mức chi và thẩm quyền quyết định mức chi

[...]