Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 63/2008/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 28/11/2008
Ngày có hiệu lực 27/12/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bành Tiến Long
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 63/2008/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH TRƯỜNG TRUNG CẤP DÂN LẬP SANG LOẠI HÌNH TRƯỜNG TRUNG CẤP TƯ THỤC

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Văn bản này hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục (sau đây gọi chung là trường tư thục) về: tài sản, tiền vốn; quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn; quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; hồ sơ và thủ tục chuyển đổi;

b) Văn bản này áp dụng đối với các trường trung cấp dân lập (sau đây gọi chung là trường dân lập) thành lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2006.

2. Yêu cầu của việc chuyển đổi

a) Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;

b) Đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên và học sinh theo quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường;

c) Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI

1. Tài sản, tiền vốn

Trước khi chuyển đổi, trường dân lập phải tiến hành:

a) Kiểm kê, phân loại và định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường quy về mặt bằng giá trị tại thời điểm chuyển đổi. Thực hiện việc đối chiếu sổ sách với thời điểm kiểm kê, làm rõ nguyên nhân chênh lệch (nếu có). Việc kiểm kê, phân loại và định giá tài sản của trường dân lập phải căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước và phải được thẩm định bởi một công ty kiểm toán độc lập có tư cách pháp nhân;

b) Phân loại tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế theo nguồn gốc hình thành trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại và định giá theo tiêu chí:

- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành từ đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân;

- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng;

- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do đầu tư, mua sắm trong quá trình hoạt động của trường (từ các nguồn: học phí, lệ phí; hoạt động liên kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và các hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ khác; lãi tiền gửi tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các nguồn thu hợp pháp khác).

2. Chuyển đổi giá trị tài sản, tiền vốn của trường trung cấp dân lập

a) Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được xác định thuộc vốn đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân vào trường dân lập sẽ được bảo toàn giá trị theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi và kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu khi chuyển sang loại hình trường tư thục;

b) Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng và mua sắm tích lũy trong quá trình hoạt động của trường dân lập được coi là tài sản không chia, thuộc sở hữu chung của trường, được xác định theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi để chuyển sang trường tư thục và giao cho Hội đồng quản trị trường tư thục sử dụng, quản lý theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển.

3. Quyền sử dụng đất

Trường dân lập có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng và giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giáo dục theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

4. Các thành viên góp vốn

a) Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức) đã đứng tên thành lập trường dân lập được quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục. Tổ chức đứng tên thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;

b) Các thành viên sáng lập và thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được quyền góp vốn để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục, nếu không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;

c) Các nhà đầu tư có vốn góp để xây dựng trường dân lập được quyền trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục.

[...]