Thông tư 6/2022/TT-BTC hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 6/2022/TT-BTC
Ngày ban hành 08/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/03/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 8 tháng 2 năm 2022

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC GIÁM SÁT TUÂN THỦ CỦA ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG TY CON, TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về việc thực hiện công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con gồm Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc tổ chức, thực hiện nghiệp vụ chứng khoán.

Điều 2. Quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát tuân thủ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ theo thẩm quyền.

2. Chấp thuận để Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành các quy chế hoạt động nghiệp vụ và các văn bản khác về việc thực hiện nghiệp vụ trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định pháp luật; yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa đổi quy định, quy chế liên quan đến hoạt động nghiệp vụ.

3. Thực hiện giám sát đối với việc tuân thủ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là giám sát tuân thủ).

4. Đình chỉ, hủy bỏ quyết định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất khi cần thiết đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

6. Xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

7. Báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện công tác giám sát tuân thủ theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều 3. Phương thức giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát tuân thủ trên cơ sở báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 5Chương IV Thông tư này; phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán và các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra; kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Điều 4. Nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

1. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán quy định tại Thông tư này; báo cáo giải trình và kế hoạch khắc phục đối với các nội dung kết luận, kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả giám sát tuân thủ; báo cáo, kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường giao dịch chứng khoán.

2. Kiến nghị, đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Chương IV Thông tư này và thực hiện phân cấp nghĩa vụ báo cáo đối với Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

4. Lưu trữ và bảo mật đối với hồ sơ, tài liệu, chứng từ và dữ liệu về nghiệp vụ chứng khoán theo quy định của pháp luật; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để phục vụ công tác giám sát tuân thủ.

[...]