Thông tư 59/1999/TT-BVHTT hướng dẫn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú lần thứ năm do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành

Số hiệu 59/1999/TT-BVHTT
Ngày ban hành 05/05/1999
Ngày có hiệu lực 05/05/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Nguyễn Khoa Điềm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59/1999/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 59/1999/TT-BVHTT NGÀY 5 THÁNG 5 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN VÀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ LẦN THỨ NĂM

Thi hành Pháp lệnh ngày 30 tháng 5 năm 1985 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 97/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú; trên cơ sở đánh giá kết quả 4 đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ. Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú lần thứ năm như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG:

A. Nghệ sĩ hiện đang hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và nghệ sĩ đã nghỉ hưu sau ngày 3 tháng 2 năm 1997 (thời điểm phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ đợt 4).

1. Diễn viên thuộc các ngành: Sân khấu, Ca, Múa, Nhạc, Điện ảnh, Vô tuyến truyền hình, Video, Phát thanh, cụ thể là:

- Người diễn kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, kịch múa, xiếc, rối, tạp kỹ, múa, hát, tấu, nhạc, ngâm thơ trực tiếp trước quần chúng hoặc gián tiếp qua làn sóng điện hay màn hình.

2. Đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy: Người đạo diễn kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, biên đạo múa, người chỉ đạo nghệ thuật trực tiếp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp ca, múa, xiếc, tạp kỹ, người chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng, người đạo diễn phim điện ảnh, truyền hình, video.

3. Quay phim: người quay phim các loại: Phim truyện, phim tài liệu khoa học (có tính nghệ thuật), hoạt hoạ, búp bê ...

4. Tạo hình: người thiết kế trang trí, phục trang, hoá trang, ánh sáng cho sân khấu, điện ảnh, tạo hình con rối, hoạ sĩ động tác phim hoạt hình.

B. Nghệ sĩ, nghệ nhân thuộc các bộ môn nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác không thuộc diện biên chế Nhà nước, nhưng vẫn biểu diến theo yêu cầu của đơn vị nghệ thuật, có sự chỉ đạo của Sở Văn hoá - Thông tin.

C. Nghệ sĩ trong diện các đối tượng nêu ở mục A nay do yêu cầu công tác, được điều động làm nghiên cứu, giảng dạy, quản lý... vẫn tiếp tục tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Song do kiêm nhiệm công việc nên số lượng tác phẩm hoặc vai diễn có thể ít hơn, nhưng có giá trị đóng góp vào sự phát triển của ngành.

D. Không truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ đối với những người đã mất và không xét đặc cách.

II. TIÊU CHUẨN:

A. NGHỆ SĨ NHÂN DÂN:

1. Đạo đức: Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức cách mạng, vững vàng trong mọi thử thách khó khăn, kiên quyết bảo vệ và thực. hiện xuất sắc đường lối văn nghệ của Đảng.

2. Có tài năng sáng tạo nghệ thuật độc đáo với nhiều thành tựu đặc sắc, được đông đảo quần chúng hâm mộ, yêu mến, tiêu biểu cho ngành nghệ thuật đó trong cả nước.

3. Có ý thức rèn luyện để phát triển tài năng nghệ thuật, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều công lao xây dựng đơn vị.

4. Đã hoạt động nghệ thuật phục vụ cách mạng từ 15 năm. Riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm (trừ trường hợp có những thành công nghệ thuật đột xuất); được tặng nhiều huy chương, giải thưởng của các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế.

B. NGHỆ SĨ ƯU TÚ:

1. Đạo đức: Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức cách mạng, sẵn sàng phục vụ, không quản ngại khó khăn; thực hiện tốt đường lối văn nghệ của Đảng.

2. Có tài năng sáng tạo nghệ thuật xuất sắc, có thành tựu nổi bật, là những nghệ sĩ tiêu biểu và có uy tín rộng rãi trong từng môn nghệ thuật, được quần chúng đánh giá cao.

3. Có ý thức rèn luyện để phát triển tài năng nghệ thuật. Khiêm tốn học hỏi, đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp xây dựng đơn vị.

4. Đã hoạt động nghệ thuật phục vụ cách mạng từ 10 năm; Riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 8 năm (trừ trường hợp có thành công nghệ thuật đột xuất); được tặng nhiều huy chương, giải thưởng của các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế.

III. THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN VÀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ

A. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú (do Thủ tướng quyết định) gọi tắt là Hội đồng Danh hiệu Nghệ sĩ Trung ương.

a. Hội đồng xét tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Trung ương có các Uỷ viên thường trực, Tổ thư ký và các Ban chuyên ngành Ca nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Phát thanh, Truyền hình.

b. Tổ thư ký gồm có: Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Văn hoá - Thông tin làm tổ trưởng; Tổ viên thường trực do Vụ Tổ chức Cán bộ cử: các tổ viên khác do các Cục nghệ thuật cử, đồng thời làm thư ký của ban chuyên ngành.

[...]