Thông tư 58/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

Số hiệu 58/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 12/06/2007
Ngày có hiệu lực 25/07/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Bảo hiểm

 BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 58/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Phần 1.

QUẢN LÝ KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI

I. NỘI DUNG CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP:

Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01/1/1995 và trả lương hưu cho quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ, gồm:

1. Các khoản chi thường xuyên hàng tháng:

- Lương hưu.

- Trợ cấp mất sức lao động.

- Trợ cấp công nhân cao su.

- Trợ cấp tai nạn lao động và người phục vụ người bị tai nạn lao động.

- Trợ cấp bệnh nghề nghiệp và người phục vụ người bị bệnh nghề nghiệp.

- Trợ cấp tuất (định suất cơ bản và nuôi dưỡng).

2. Trợ cấp một lần: Mai táng phí, tiền tuất một lần.

3. Trang cấp dụng cụ phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động.

4. Đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định.

5. Lệ phí chi trả.

6. Chi khác (nếu có).

II. LẬP, XÉT DUYỆT DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI:

Việc lập, xét duyệt dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí chi bảo hiểm xã hội từ ngân sách nhà nước thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các quy định cụ thể sau đây:

1. Lập dự toán:

- Dự toán chi phải phản ánh đầy đủ nội dung từng khoản chi nêu tại mục I trên đây theo từng loại đối tượng và mức hưởng theo quy định hiện hành, kèm theo thuyết minh về số lượng đối tượng đang hưởng, dự kiến đối tượng tăng, giảm và nhu cầu chi khác trong năm dự toán.

- Dự toán chi của Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội cấp huyện); Dự toán chi của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh) lập theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Dự toán chi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổng hợp trên cơ sở dự toán chi của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định trước khi gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Phân bổ dự toán:

- Hàng năm, căn cứ vào dự toán chi bảo hiểm xã hội được cấp có thẩm quyền giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện phân bổ và quyết định giao dự toán chi cho Bảo hiểm xã hội cấp dưới (phân bổ vào loại 13, khoản 08, nhóm mục chi thanh toán cá nhân, mục 124) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; đảm bảo tổng kinh phí phân bổ không vượt quá mức kinh phí đã được cấp có thẩm quyền giao, cụ thể là:

- Phân bổ và thông báo kinh phí cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh không vượt so với tổng mức kinh phí Thủ tướng Chính phủ giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Phân bổ và thông báo kinh phí cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện không vượt so với tổng mức kinh phí Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

[...]