Thông tư 54-TC/KTKT/TH năm 1958 về việc thanh toán những khoản chi phí về trả lương và phụ cấp cho cán bộ, công nhân viên chờ việc, già yếu không làm được việc và cho thôi việc về sản xuất, ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 54-TC/KTKT/TH
Ngày ban hành 06/05/1958
Ngày có hiệu lực 21/05/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-TC/KTKT/TH

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THANH TOÁN NHỮNG KHOẢN CHI PHÍ VỀ TRẢ LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỜ VIỆC, GIÀ YẾU KHÔNG LÀM ĐƯỢC VIỆC VÀ CHO THÔI VIỆC VỀ SẢN XUẤT, Ở CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG, NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG.

Nhân dịp chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế, điều chỉnh cán bộ, chuyển người về sản xuất, nhiều xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường có xu hướng xếp vào loại “nhân lực thừa” tất cả những cán bộ, công nhân viên thuộc các đơn vị sản xuất và xây dựng, già yếu, chờ việc, thôi việc, về địa phương sản xuất. Đồng thời cho rằng số chi tiêu về “nhân lực thừa” này do Nhà nước phải chịu trách nhiệm thanh toán cho xí nghiệp, nên yêu cầu Nhà nước cho tính trừ vào lãi, hoặc xin Nhà nước trích quỹ cứu tế cấp cho để chi.

Sở dĩ có đề nghị giải quyết như trên có thể là vì các xí nghiệp nói trên:

- Chưa thấy là mọi khoản chi về tuyển mộ, cho thôi việc, chờ việc, thuyên chuyển, trợ cấp già yếu… theo chế độ hiện hành của Nhà nước, đều phải tính vào giá thành sản phẩm hay giá thành công trình; có tính như vậy giá thành mới phản ánh đúng thực tế tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản của các xí nghiệp.

- Chưa nhận thức đầy đủ là: muốn hạ giá thành, chủ yếu là phải đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, khai thác khả năng tiềm tàng của xí nghiệp; không thể hạ giá thành bằng các loại bỏ ra khỏi giá thành những khoản chi phí đã được chế độ của Nhà nước chính thức quy định.

Để giúp các xí nghiệp phân bổ hợp lý các khoản chi thuộc các loại nói trên;

Để thúc đẩy các xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường tăng cường quản lý kế hoạch lao động tiền lương, tích cực đấu tranh hạ giá thành;

Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng phủ và Ủy ban kế hoạch Nhà nước;

Bộ Tài chính được phép quy định như sau:

Những khoản chi phí về tuyển mộ, thuyên chuyển, trả lương và các khoản phụ cấp khác:

- cho những người chờ việc;

- cho những người già yếu hoặc đau ốm kinh niên (như lao, phong, thần kinh…) không làm được việc hoặc phải nằm bệnh viên, an dưỡng đường, điều dưỡng đường;

- cho những người thôi việc ở tất cả các xí nghiệp công, nông, lâm trường quốc doanh về địa phương sản xuất; đều nhất thiết hạch toán vào giá thành sản phẩm hay công trình, không được tính vào lãi hoặc ghi thêm vào kế hoạch lỗ và cũng không được cấp vào quỹ cứu tế của Nhà nước.

Riêng đối với mấy trường hợp sau đây thì giải quyết ngoài quy định trên:

1- Đối với các công trình xây dựng cơ bản:

a) Ở các công trường kiến thiết cho thầu

- Nếu có cán bộ công nhân viên của xí nghiệp xây lắp bao thầu phải chờ việc vì đơn vị kiến thiết không thi hành đúng hợp đồng, để lỡ thời hạn thi công, thì những chi phí cho số cán bộ công nhân viên này sẽ do đơn vị kiến thiết phải bồi thường cho đơn vị xây lắp như đã ký kết trong hợp đồng và sồ tiền bồi thường này tính vào vốn kiến thiết cơ bản của mình. Khỏan bồi thường này hạch tóan vào tài khoản (0.50) “Chi phí về quản lý hành chính” của đơn vị kiến thiết; khi quyết toán công trình và được cơ quan chủ quản chuẩn y, sẽ cho chuyển sang tài khỏan (201.B) “Phí tổn không tăng thêm giá trị tài sản cố định”.

- Nếu có cán bộ công nhận viên của xí nghiệp xây lắp bao thầu phải chờ việc vì lỗi của bản thân xí nghiệp bao thầu, như bố trí kế hoạch không sát, hoặc để lỡ thời hạn thì công đã quy định trong hợp đồng ký với đơn vị kiến thiết v.v… thì xí nghiệp bao thầu phải chịu trách nhiệm trả lương.

- Nếu cán bộ công nhân viên phải chờ việc vì Nhà nước thay đổi, chương trình kế hoạch kiến thiết thì chi phí cũng sẽ lấy vào vốn kiến thiết cơ bản của Bộ chủ quản. Trường hợp chưa thi công thì khoản quy định này hạch toán vào tài khoản (0.50) “Chi phí quản lý hành chính” của đơn vị kiến thiết; nếu đã thi công rồi thì hạch toán vào tài khoản (201.D) “Công trình kiến thiết cơ bản ngừng bỏ”.

b) Ở các công trường kiến thiết tự làm, nếu có những cán bộ công nhân viên không ở trong biên chế chính thức, huy động từ sau hòa bình, khi tuyển chưa có chế độ quy định huy động phí, đã công tác liên tục qua nhiều công trường, nay được thôi việc, thì chi phí về trợ cấp thôi việc do công trường sử dụng cuối cùng trả; chi phí này lấy vào vốn kiến thiết cơ bản của Bộ chủ quản công trường cuối cùng và hạch toán vào tài khỏan (201.B) “Chi phí không tăng thêm giá trị tài sản cố định”. Nếu công trường sử dụng cuối cùng thuộc xí nghiệp xây lắp thì số chi phí này do xí nghiệp xây lắp phải chịu và coi như bị lỗ.

2.- Trường hợp rất cá biệt có xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường được Thủ tướng phủ đồng ý cho tiến hành chấn chỉnh biên chế để rút hẹp sản xuất, xây dựng, thì có thể được cấp kinh phí để trợ cấp cho người thôi việc về sản xuất vào quỹ cứu tế của Nhà nước, trong trường hợp này tiền lương và các khoản chi phí khác cho cán bộ, công nhân viên trong thời gian chờ đợi về (nếu có) cũng vẫn do xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường phải trả và tính vào giá thành như trên.

Trong trường hợp này, Bộ chủ quản xí nghiệp, công, nông, lâm trường cần có đề nghị cụ thể với Thủ tướng phủ; khi được Thủ tướng phủ đồng ý, sẽ lập kế hoạch đưa số người về sản xuất, có chia ra từng tháng (chậm nhất là cuối kỳ III năm 1958 phải giải quyết xong) gửi Thủ tướng phủ xét duyệt, đồng thời lập dự toán gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài vụ kiến thiết kinh tế) xét duyệt.

Đối với số cán bộ công nhân viên ở các quốc doanh nông trường, lâm khẩn hiện thời đã có kế hoạch cho về sản xuất được duyệt y rồi, thì cần giải quyết gấp, tránh để dây dưa; tiền trợ cấp thôi việc được cấp vào quỹ cứu tế của Nhà nước.

3.- Đặc biệt đối với số cán bộ công nhân viên “nằm chờ” còn lại của các Bộ Giao thông Bưu điện, Nông lâm, Thủy lợi Kiến trúc đã giao cho Ủy ban Hành chính Liên khu 4 quản lý và giải quyết đến 31-12-1957 thì Ủy ban Hành chính Liên khu 4 lập ngay kế hoạch giải quyết từng quý, kèm dự toán như đã nói ở trên, gửi thẳng Bộ Tài chính (Vụ Văn hóa xã hội) xét duyệt và cấp kinh phí vào quỹ cứu tế của Nhà nước, không cần phải gửi cho Thủ tướng phủ duyệt y nữa.

Thông tư này thay thế công văn số 125/TC/KTKT ngày 29 tháng 1 năm 1958 của Bộ Tài chính gửi các Bộ về vấn đề thanh toán chi cho “nhân lực thừa”.

Trong quá trình thi hành, nếu thấy có vấn để gì còn mắc mứu, xin quý Bộ báo cho Bộ chúng tôi nghiên cứu bổ sung.

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

[...]