Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 531-TTg năm 1958 về chính sách đối với cán bộ xã do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 531-TTg
Ngày ban hành 10/12/1958
Ngày có hiệu lực 25/12/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 531-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

I. TÌNH HÌNH CÁN BỘ XÃ

Cán bộ xã đã đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng và hiện đang góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có người đã tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa, có người tham gia hoạt động từ kháng chiến và có người tham từ hòa bình tới nay. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cách mạng, của kháng chiến, của kiến thiết hòa bình, anh chị em đã tỏ ra trung thành với cách mạng, tin tưởng ở Đảng và Chính phủ, liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn luôn cố gắng khắc phục khó khăn gian khổ, bền bỉ, tích cực làm nhiệm vụ. Nhiều người đã được tuyên dương, khen thưởng.

Tuy nhiên, trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, cán bộ xã cũng như cán bộ các cấp khác, đều còn nhiều chỗ yếu, chỗ kém vì trình độ chính trị và năng lực công tác chưa cược nâng cao đúng mức. Lại thêm cán bộ xã, trong công tác và trong đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tư này vạch một số chủ trương, chính sách nhằm nâng cao một bước trình độ chính trị và năng lực công tác của cán bộ xã, đồng thời nhằm giúp cán bộ xã khắc phục những khó khăn hiện thời. Như vậy để tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ xã. Đó là một điều cốt yếu đảm bảo sự nghiệp hợp tác hóa nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp được tiến hành vững chắc và có kết quả tốt.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ XÃ

Cán bộ xã hầu hết là nông dân lao động, là những người vừa công tác vừa sản xuất, không phải là cán bộ thoát ly sản xuất. Cán bộ xã là sợi giây nối liền nhân dân với Đảng và Chính phủ. Từ trước tới nay, cán bộ xã đã giữ một vai trò quan trọng trong việc động viên, giáo dục, tổ chức nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách ở nông thôn. Hiện nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa nông thôn vào con đường hợp tác hóa, vai trò của cán bộ xã lại càng quan trọng.

Để làm tròn nhiệm vụ, cán bộ xã phải:

- Trung thành với cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm tốt cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm tốt hợp tác hóa nông thôn, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ nông dân, tích cực chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, có nhiệt tình xã hội chủ nghĩa.

- Mật thiết liên hệ với quần chúng, luôn luôn quan tâm đến đời sống của quần chúng, luôn luôn tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, thắc mắc của quần chúng để kịp thời giải quyết và phản ảnh lên cấp trên. Về  mọi việc có liên quan đến quần chúng đều phải bàn bạc với quần chúng, phải đi đúng đường lối quần chúng.

- Gương mẫu trong công tác và sản xuất, gương mẫu trong tổ đổi công và hợp tác xã.

- Có ý thưc tổ chức và kỹ thuật.

- Thường xuyên học tập, phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

III. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

1. Giáo dục, bồi dưỡng cán bộ xã:

Để tạo điều kiện cho cán bộ xã có đủ khả năng làm tốt mọi công tác của mình, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng về các mặt chính trị, văn hóa và nghiệp vụ cho cán bộ xã là rất quan trọng.

Về chính trị: Nâng cao trình độ chính trị và nhận thức về chính sách cho cán bộ xã, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, chủ yếu giáo dục cán bộ về các vấn đề cơ bản của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Dựa vào phương hướng chung đề ra trên đây và căn cứ tình hình cụ thể từng nơi, trình độ cán bộ, hoàn cảnh công tác khác nhau và yêu cầu của nhiệm vụ từng thời gian, để định chương trình, kế hoạch giáo dục cho sát.

Việc giáo dục cán bộ xã cần được tiến hành một cách thường xuyên, chủ yếu là huyện tổ chức từng đợt học tập tại xã sau từng vụ mùa. Đối với cán bộ chủ chốt, ngoài việc học tập tại xã, tỉnh cần tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày để bồi dưỡng thêm.

Về văn hóa: Bồi dưỡng từng bước, nâng cao dần trình độ văn hóa cho cán bộ xã.

Thanh toán nạn mù chữ cho tất cả cán bộ chưa biết chữ và bổ túc cho cán bộ đã biết chữ.

Ở miền xuôi thanh toán xong nạn mù chữ cho cán bộ xã trong năm 1958. Trong kế hoạch ba năm, bổ túc cho cán bộ xã tới trình độ lớp 2.

Ở miền núi (kể cả vùng rẻo cao) trong kế hoạch ba năm tất cả cán bộ xã phải được thanh toán xong nạn mù chữ.

Những cán bộ chủ chốt và những cán bộ cũ hoạt động lâu năm nhưng trình độ văn hóa còn kém phải được bổ túc văn hóa trước. Cần đặc biệt chú ý cán bộ phụ nữ.

Việc bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ xã chủ yếu là mở những lớp tại xã, ngoài giờ sản xuất, để anh chị em có thể vừa học tập, vừa công tác, vừa sản xuất. Ở nơi nào có điều kiện thì nên mở lớp tập trung. Đối với miền núi, cần có kế hoạch, tổ chức những lớp tập trung ngắn ngày cho cán bộ chủ chốt.

Về nghiệp vụ: Cán bộ xã, nói chung, phải biết công việc chung của xã. Để góp phần vào công việc chung, cán bộ xã phải được phân công chuyên trách những ngành, những công tác nhất định về kinh tế, văn hóa, nội chính, chủ yếu về kinh tế. Cho nên cán bộ xã phải được giáo dục và bồi dưỡng về nghiệp vụ để làm tốt công tác của mình.

Phương pháp chủ yếu là tỉnh, huyện mở những lớp ngắn ngày để giáo dục, bồi dưỡng cán bộ xã về nghiệp vụ.

[...]