Thông tư 51-TC/CSTC-1996 hướng dẫn các khoản thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 51-TC/CSTC
Ngày ban hành 09/09/1996
Ngày có hiệu lực 09/09/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-TC/CSTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 51/TC/CSTC NGÀY 9 THÁNG 09 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CÁC KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI, NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI THUÊ NHÀ TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 18 tháng 9 năm 1995 của Chính phủ ban hành Quy chế cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam;
Căn cứ các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành;
Căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28 tháng 7 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí;
Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản thu Ngân sách Nhà nước đối với hoạt động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là người nước ngoài) thuê nhà tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 18/9/1995 của Chính phủ như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG.

+ Thông tư này áp dụng đối với:

1) Các đối tượng dưới đây được phép cho người nước ngoài thuê nhà để ở, đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoặc cơ sở hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 18/9/1995:

- Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhà được thành lập và hoạt động theo pháp luật, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

- Các doanh nghiệp khác và các tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật, có nhà thuộc sở hữu của mình và có quyền sử dụng đất hợp pháp;

- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhà thuộc sở hữu của mình và có quyền sử dụng đất hợp pháp.

2) Các đối tượng được phép hành nghề hoạt động dịch vụ, môi giới cho người nước ngoài thuê nhà quy định tại Nghị định của Chính phủ số 56/CP ngày 18/9/1995.

+ Các đối tượng dưới đây không được phép cho người nước ngoài thuê nhà:

- Các cơ quan Nhà nước, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội và công dân Việt Nam, không được phép cho thuê trụ sở và nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước mà mình đang được phép quản lý hoặc sử dụng. - Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang trong thời gian chấp hành án, hoặc chưa được xoá án.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁC KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Về lệ phí.

a) Mức thu lệ phí:

Bên cho thuê nhà hoặc người được uỷ quyền hợp pháp, muốn cho người nước ngoài thuê nhà phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà. Mỗi khi xin cấp giấy phép, xin gia hạn giấy phép, phải nộp cho Nhà nước một khoản lệ phí cấp giấy phép cho thuê nhà theo mức thu dưới đây:

- Mức thu lệ phí cấp một giấy phép cho thuê nhà là 700.000 đồng (bảy trăm nghìn đồng);

- Mức thu lệ phí mỗi lần gia hạn một giấy phép cho thuê nhà là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).

b) Chế độ quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy phép:

- Lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài thuê nhà là khoản thu của Ngân sách Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đảm nhận thu đồng thời với việc cấp giấy phép. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho các hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà phải đăng ký với Cục thuế địa phương để nhận sổ sách kế toán, chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Khi thu lệ phí cơ quan thu lệ phí phải cấp biên lai cho người nộp.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thu lệ phí tạm thời được giữ lại 30% (ba mươi phần trăm) số lệ phí thu được để chi cho các công việc sau:

+ Thẩm định các hồ sơ xin cấp giấy phép về hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà (bao gồm cả việc lập hồ sơ thẩm định, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như: an ninh, môi trường...);

+ In giấy phép, mẫu biểu hồ sơ;

+ Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ quy chế cho thuê nhà của bên cho thuê nhà, bên thuê nhà và doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn;

+ Chi bồi dưỡng, chi thưởng cho những cán bộ công nhân viên có liên quan trực tiếp tới việc tổ chức thu lệ phí; mức chi một năm một người tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Các khoản chi trên phải đúng chế độ tài chính hiện hành và có chứng từ hợp lệ.

- Số lệ phí còn lại sau khi được tạm giữ lại theo tỷ lệ nêu trên, cơ quan thu lệ phí phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước. Định kỳ vào ngày 5 hàng tháng, căn cứ vào chứng từ thu tiền, đơn vị thu lệ phí có trách nhiệm lập bảng kê, chứng từ và nộp số tiền thu được của tháng trước vào Ngân sách tại Kho bạc Nhà nước, Mục 35 theo Chương - Loại - Khoản - Hạng tương ứng. Trường hợp tổng số tiền thu được vượt quá 20 triệu đồng thì mặt dù chưa đến kỳ hạn nộp, cơ quan thu phí vẫn phải lập bảng kê, chứng từ, nộp ngay vào Ngân sách Nhà nước, không phải đợi đến ngày 5 tháng sau.

- Hàng năm cơ quan thu lệ phí phải mở số sách theo dõi riêng các khoản thu lệ phí cấp giấy phép và các khoản chi phí phục vụ cho việc thu theo đúng quy định của Pháp lệnh kế toán thống kê và tại Thông tư này. Cuối năm quyết toán việc thu, nộp; sử dụng số lệ phí được tạm giữ lại cùng với quyết toán kinh phí của đơn vị với cơ quan thuế và cơ quan tài chính cùng cấp. Nếu cuối năm, không chi hết số lệ phí tạm giữ lại thì phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước. Trường hợp có nhu cầu giữ lại số lệ phí chưa sử dụng hết để đáp ứng cho năm sau thì phải được cơ quan tài chính cùng cấp đồng ý bằng văn bản. Số tiền để lại được tổng hợp vào kế hoạch thu, chi tài chính năm sau.

[...]