Thông tư 53/2011/TT-BCA-V22 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 53/2011/TT-BCA-V22
Ngày ban hành 20/07/2011
Ngày có hiệu lực 03/09/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2011/TT-BCA-V22

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BCA ngày 19/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ học tập, bồi dưỡng thường xuyên trong Công an nhân dân (Thông tư số 32/2011/TT-BCA);

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Thông tư số 139/2010/TT-BTC);

Bộ Công an quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên (đào tạo, bồi dưỡng) trong Công an nhân dân như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân, bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn và công nhân, viên chức Công an (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).

2. Phạm vi sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân:

a) Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng, phạm vi, nội dung, chương trình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng thuộc các lớp bồi dưỡng kiến thức thường xuyên theo Thông tư số 32/2011/TT-BCA và phải nằm trong chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm được lãnh đạo Bộ duyệt.

b) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hoặc có cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học ở trong nước. Chỉ được sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân để chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ thuộc phạm vi quản lý của Công an các đơn vị, địa phương.

c) Đối với những đối tượng tuy không thuộc phạm vi quản lý nhưng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền phải được đào tạo, bồi dưỡng thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và được giao kinh phí thực hiện.

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học ở nước ngoài không thực hiện theo quy định tại Thông tư này và được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân:

a) Căn cứ điều kiện thực tế về việc cử cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học theo quy định hiện hành của Bộ Công an và khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng này tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Công an nhân dân.

b) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi cho các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học theo chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của Bộ Công an, bao gồm: đào tạo trực tiếp tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân hoặc cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài Công an nhân dân; chi các hoạt động quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ.

c) Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi cho các hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo từ dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 2. Nội dung chi

1. Các nội dung chi do các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân hoặc Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ hoặc được giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, giáo trình thực hiện, gồm có:

a) Các khoản chi phục vụ trực tiếp lớp học thực hiện theo quy định tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 Điều 2 Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

Các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm bố trí chỗ nghỉ cho học viên ở xa tại ký túc xá, nhà khách, nhà công vụ của trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng tại đơn vị, địa phương mình mà không có hoặc không thể bố trí chỗ nghỉ cho học viên được, thì được phép thuê chỗ nghỉ và thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ của học viên theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 04/2011/TT-BCA ngày 28/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

b) Chi các hoạt động quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ; chi dịch thuật thực hiện theo quy định tại tiết b, tiết c khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

2. Chi biên soạn chương trình, giáo trình mới hoặc chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, giáo trình:

Khoản chi này do đơn vị được giao chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chi từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị được giao hàng năm.

3. Chi phí đi lại từ đơn vị đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết nguyên đán). Căn cứ địa điểm tổ chức lớp học và khả năng ngân sách, Công an đơn vị, địa phương cử cán bộ, chiến sĩ đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của mình (nếu có) để chi cho cán bộ, chiến sĩ được cử đi học khoản chi phí nêu trên đảm bảo nguyên tắc: không vượt quá mức chi theo quy định hiện hành của Bộ Công an về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong Công an nhân dân.

4. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương được giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, nhưng không có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc không có điều kiện tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng mà phải gửi cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài ngành Công an, thì Công an đơn vị, địa phương thanh toán cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng hoặc theo quyết định chiêu sinh (kèm theo các chứng từ hợp pháp, hợp lệ).

5. Chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ của Công an các đơn vị, địa phương:

Căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc phân bổ kinh phí cho nhiệm vụ quản lý về đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị để chi cho các nội dung như: xây dựng, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng và các chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ.

[...]