Thông tư 51/1997/TC-TCT hướng dẫn việc xác định mặt hàng chịu thuế theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 51/1997/TC-TCT
Ngày ban hành 13/08/1997
Ngày có hiệu lực 01/09/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/1997/TC-TCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 51/1997/TC-TCT NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH MẶT HÀNG CHỊU THUẾ THEO DANH MỤC BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

Căn cứ thẩm quyền quy định tại Điều 3 - Quyết định số 280/TTg ngày 28/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ;
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ cho Ngân sách Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế và cơ quan thu thuế, tránh phiền hà cho đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành (ban hành kèm theo Quyết định số 280/TTg ngày 28/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định sửa đổi bổ sung từ tháng 11/1994 đến nay của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
Sau khi trao đổi thống nhất với Tổng cục Hải quan, Tổng cục thống kê, Bộ Thương mại; Bộ KHCN và môi trường, Cục Hải quan TP Hà Nội, Cục Hải quan TP Hải Phòng; Bộ Tài chính hướng dẫn một số nguyên tắc chung nhất để xác định mặt hàng chịu thuế theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành như sau:

I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ CẤU TẠO CỦA BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

1. Danh mục mặt hàng chịu thuế của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành, về cơ bản được xây dựng dựa trên cơ sở Bảng Danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu của Hội đồng hợp tác hải quan thế giới (Hamorid System), đồng thời có biến đổi một số phần cụ thể cho phù hợp với hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hoá trong Bảng Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành được phân thành 21 phần, 97 chương (trừ chương 77 được để trống để dự phòng). Trong mỗi chương của Biểu thuế chia ra các nhóm hàng (cấp độ 4 chữ số), trong mỗi nhóm hàng có thể phân chia thành các phân nhóm hàng (cấp độ 6 chữ số), và trong mỗi phân nhóm hàng có thể phân chia thành các mặt hàng (cấp độ 8 chữ số). Tuỳ theo đặc điểm, tính chất, cấu tạo của từng chương, nhóm, phân nhóm và mặt hàng mà một chương có thể được chia thành một hay nhiều nhóm hàng, một nhóm hàng có thể không chia hoặc được chia thành nhiều phân nhóm hàng, một phân nhóm hàng có thể không chia hoặc chia thành nhiều mặt hàng khác nhau.

Để thuận tiện trong việc tra cứu Biểu thuế và làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu, về cơ bản tất cả các nhóm hàng, phân nhóm hàng, mặt hàng đều được mã hoá theo số thứ tự của mặt hàng đó trong chương, nhóm và phân nhóm. Trong đó:

a- Mỗi nhóm hàng trong chương được xác định bằng 4 chữ số. Ví dụ nhóm trâu, bò sống được mã hoá bằng mã hiệu 0102, trong đó 2 chữ số dầu (01) là mã hiệu của chương (chương 1), hai chữ số sau (02) là mã hiệu xác định vị trí của nhóm đó trong chương (nhóm thứ 2 của chương). b- Mỗi phân nhóm hàng trong nhóm được xác định bằng 6 chữ số. Ví dụ phân nhóm: "Giấy và bìa sản xuất thủ công", được mã hoá bằng mã hiệu 480210, trong đó 2 chữ số đầu (48) là mã hiệu của chương (chương 48 - giấy và các sản phẩm bằng giấy), 2 chữ số khác nhau (02) là mã hiệu xác định vị trí của nhóm đó trong chương (nhóm thứ 2 của chương), 2 chữ số tiếp theo (10) xác định vị trí của phân nhóm đó trong nhóm (phân nhóm thứ nhất của nhóm). Có 2 cách phân loại và mã hiệu cho các phân nhóm hàng, gọi là phân nhóm cấp 1 và phân nhóm cấp 2. Trong đó:

+ Phân nhóm cấp 1 được ký hiệu là (-) và chữ số cuối cùng của phân nhóm là 0 (ví dụ: phân nhóm 480490, 480260, 847110 v.v...).

+ Phân nhóm cấp 2 được ký hiệu là (--) và chữ số cuối cùng của phân nhóm là 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7 8; 9 (ví dụ: 291111, 151119, 650691 v.v...)

c- Một số nhóm hàng không được phân chia thành nhiều phân nhóm hàng khác nhau thì sẽ được thêm 2 chữ số 00 vào sau cùng (ví dụ: nhóm 4905: Bản đồ, biểu đồ được thêm 2 chữ số 00 thành 490500, nhóm 6108: Các loại váy lót ngắn..., được thêm 2 chữ 00 thành 610800...).

d- Một số phân nhóm hàng trong Biểu thuế được phân chia tiếp thành nhiều mặt hàng khác nhau. Mỗi mặt hàng trong phân nhóm được xác định bằng 8 chữ số. Ví dụ: Mặt hàng: Diezel các loại được mã hoá bằng mã hiệu 27100020, trong đó sáu chữ số 271000 là phân nhóm xăng dầu các loại thuộc chương 27, nhóm thứ 10, hai chữ số cuối cùng (20) là vị trí của mặt hàng diezel trong phân nhóm 271000 (vị trí thứ 2).

e- Tuy nhiên cũng có một số trường hợp các phân nhóm hàng được phân chia tiếp thành nhiều mặt hàng khác nhau nhưng không xác định mã số cho chúng (Đại đa số các mặt hàng thuộc chương 84, 85, 87 của Biểu thuế được phân chia theo dạng này). Ví dụ: Nhóm 848310: Trục truyền (Kể cả trục cam và trục khuỷu) và cần khuỷu; được chia thành rất nhiều loại, dùng cho các động cơ khác nhau như: Loại dùng cho động cơ khác nhau như: loại dùng cho động cơ thuộc nhóm 8701; loại dùng cho động cơ thuộc nhóm 8702, v.v... nhưng không xác định mã số cho từng loại trục truyền này.

2) Theo cách sắp xếp Danh mục và mã số của nhóm hàng, Phân nhóm hàng, mặt hàng nói trên thì Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành được phân thành 3 cột, trong đó:

- Cột thứ nhất là cột mã số của nhóm hàng, phân nhóm hàng và mặt hàng.

- Cột thứ hai là cột mô tả tên nhóm hàng, phân nhóm hàng và mặt hàng.

- Cột thứ ba là cột quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho nhóm hàng (Nếu nhóm này không chia thành các phân nhóm tiếp theo mà thêm 2 chữ số 00 vào sau nhóm nêu tại trường hợp a điểm 1 nêu trên); hoặc cho phân nhóm hàng (Nếu phân nhóm này không chia tiếp thành các mặt hàng như nêu tại trường hợp b); hoặc cho mặt hàng (nếu phân nhóm hàng chia tiếp thành mặt hàng như nêu tại trường hợp d). Do đó, khi tra cứu mã số và mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của mặt hàng cụ thể nào đó cần xem nhóm hàng mà mặt hàng này nằm trong đó được chia chi tiết đến mức độ nào: Nhóm, phân nhóm cấp 1, phân cấp nhóm 2 hay mặt hàng để xác định chính xác mức thuế của mặt hàng này trong Biểu thuế. Trong đó:

* Ở Biểu thuế xuất khẩu: những nhóm, phân nhóm và mặt hàng nào được ghi tên trong Biểu thuế XK mà cột thuế suất có ghi mức thuế xuất khẩu từ 1% trở lên sẽ là nhóm, phân nhóm, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Trong một nhóm hàng ví dụ: 121100: các loại cây và các phần của cây... chỉ có mặt hàng cụ thể là trầm hương kỳ nam các loại có ký hiệu 12119010 là mặt hàng chịu thuế, còn tất cả các mặt hàng khác thuộc nhóm này không phải chịu thuế xuất khẩu.

* Ở Biểu thuế nhập khẩu: khác với Biểu thuế xuất khẩu, tất cả các nhóm hàng, phân nhóm và mặt hàng của Biểu thuế nhập khẩu đều thuộc Danh mục các mặt hàng chịu thuế nhập khẩu, không phân biệt là mặt hàng đó đã được ghi tên cụ thể trong Biểu thuế nhập khẩu hay chưa. Nếu chưa ghi tên cụ thể thì mặt hàng đó sẽ được xếp vào phân nhóm, nhóm hàng phù hợp với nó nhất.

II. NGUYÊN TẮC PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ TRONG BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

Để đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu, xác định chính xác một mặt hàng chỉ nằm ở một mã hiệu, 1 phân nhóm, 1 nhóm hàng; 1 chương nào đó mà không thể cùng xếp ở mã hiệu khác, nhóm hàng khác, phân nhóm hàng khác, chương khác của Biểu thuế, việc phân loại hàng hoá trong Biểu thuế tuân theo các nguyên tắc sau đây (theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới).

1- Nếu một mặt hàng, chủng loại hàng đã được ghi rõ tên hoặc mô tả rõ đặc điểm, cấu tạo, mức độ chế biến, công dụng ở 1 chương, 1 nhóm hàng, 1 phân nhóm hàng nào đó của Biểu thuế, thì nhất thiết phải xếp mặt hàng đó vào chương đó, nhóm hàng đó, phân nhóm hàng đó. Ví dụ: Mặt hàng gạch chịu lửa Cr-Mg, Biểu thuế NK hiện hành xếp vào chương 81, nhóm 8113, phân nhóm 811300, mã số 81130010 thì sẽ được xếp vào mã số này để tính thuế NK.

2- Nếu một mặt hàng nào đó đã được phân loại trong một chương, nhóm, phân nhóm nào đó thì các dạng sau dây cũng thuộc chương, nhóm, phân nhóm đó:

+ Dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm.

+ Dạng thành phẩm hay đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm nhưng chưa lắp ráp hoặc không được lắp ráp với nhau.

3- Nếu một vật liệu hoặc một chất liệu được phân loại trong một nhóm thì hỗn hợp hay hợp chất của vật liệu hoặc chất đó với những vật liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hoá làm toàn bộ bằng một loại vật liệu hay một chất, được phân loại trong cùng nhóm. Việc phân loại những hàng hoá làm bằng 2 loại vật liệu trở lên hay 2 chất trở lên, hoặc hàng hoá xếp theo nhập đồng bộ phải theo nguyên tắc 4 và 5.

- Khi áp dụng nguyên tắc 3 hoặc vì một lý do nào khác, hàng hoá thoạt nhìn có thể xếp vào hai hay nhiều nhóm trở lên, thì sẽ phân loại theo thứ tự như sau:

4- Hàng hoá đó được xếp vào nhóm có mô tả đặc trưng nhất sẽ phù hợp hơn xếp vào nhóm có mô tả khái quát. Ví dụ: Một đơn vị nhập mặt hàng: Giấy dầu lợp mái được làm từ 2 loại nguyên liệu cơ bản là giấy và nhựa đường (1 lớp giấy, 1 lớp nhựa đường). Nếu chỉ căn cứ vào mô tả khái quát của mặt hàng có tên gọi là giấy, thì mặt hàng sẽ được xếp vào chương 48. Tuy nhiên, sản phẩm tạo ra đặc trưng cơ bản của mặt hàng giấy dầu lợp mái không phải là lớp giấy mà lớp giấy chỉ là 1 lớp nền, còn lớp nhựa đường là lớp tạo ra đặc trưng cơ bản của mặt hàng này. Do vậy phải xếp vào mã số của nhóm mặt hàng được làm từ nhựa đường là phù hợp nhất (nhóm 6807).

Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến 1 phần của vật liệu hoặc chất chứa trong hàng hoá là hỗn hợp hay hợp chất hoặc chỉ liên quan đến 1 phần trong 1 bộ đóng gói để bán lẻ thì sẽ xếp vào nhóm có vật liệu hoặc chất liệu chiếm tỷ lệ chủ yếu trong hàng hoá đó.

[...]