Thông tư 48-TBXH-1985 hướng dẫn Nghị định 236-HĐBT-1985 sửa đổi chế độ, chính sách về thương binh và xã hộ do Bộ Thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 48-TBXH
Ngày ban hành 30/09/1985
Ngày có hiệu lực 15/10/1985
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh và Xã hội
Người ký Song Hào
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-TBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1985

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 48-TBXH NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 236-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 1985

Ngày 18-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 236-HĐBT bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội,
Căn cứ vào Điều 31 của Nghị định, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

VỀ LƯƠNG HƯU

A. ĐIỀU KIỆN NGHỈ HƯU

Điều 1 và Điều 2 của Nghị định số 236-HĐBT quy định và các điều kiện nghỉ hưu; dưới đây nói rõ về những điều kiện đó:

I. TUỔI NGHỈ HƯU CỦA CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

1. Trường hợp có đủ thời gian công tác quy định tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT, trong đó có đủ 15 năm làm công việc độc hại nặng nhọc, hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng khó khăn gian khổ thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 55 và nữ ở tuổi 50 (giảm 5 tuổi đời).

Nếu có đủ thời gian công tác, trong đó có đủ 20 năm làm công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc hoặc có đủ 20 năm làm việc ở vùng có nhiều khó khăn, gian khổ thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 50 và nữ ở tuổi 45 (giảm 10 tuổi đời).

Công việc độc hại nặng nhọc và công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc thực hiện theo quy định của Bộ Lao động.

Vùng khó khăn, gian khổ là những vùng có phụ cấp khu vực 20%; vùng có nhiều khó khăn, gian khổ là vùng có phụ cấp khu vực 25% hoặc có phụ cấp chiến đấu từ 10% đến 20% theo các quy định ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương, hoặc ở các đảo xa nói trong Thông tư số 16-TBXH của Bộ thương binh và xã hội ngày 14-5-1981.

2. Nam và nữ công nhân, viên chức có đủ thời gian công tác nói tại Điều 1 của Nghị định 236-HĐBT bị mất sức lao động từ 61% trở lên vì bị thương, bị tai nạn hoặc vì ốm đau thì tuy chưa đủ điều kiện về tuổi đời cũng được nghỉ hưu.

II. TUỔI NGHỈ HƯU CỦA QUÂN NHÂN

1. Trường hợp có đủ điều kiện về thời gian công tác theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT trong đó có 15 năm ở chiến trường, ở vùng khó khăn, gian khổ hoặc có 15 năm làm việc độc hại, nặng nhọc trong các đơn vị quân đội, trong xây dựng công trình quốc phòng, trong sản xuất công nghiệp quốc phòng (quy định tại Thông tư số 111-QP ngày 19-4-1965 của Bộ Quốc phòng) thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 50, nữ ở tuổi 45 (giảm 5 tuổi đời).

2. Nam và nữ quân nhân có đủ thời gian công tác nói tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT, bị giảm sút sức khoẻ vì bị thương, hoặc vì ốm đau thì tuy chưa đủ điều kiện về tuổi đời cũng được nghỉ hưu.

III. VỀ THỜI GIAN CÔNG TÁC

1. Điều kiện về thời gian công tác (trước đây gọi là thời gian công tác liên tục) để được nghỉ hưu nói tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT và trong Thông tư này là thời gian công tác đã được tính theo hệ số, là điều kiện nghỉ hưu, là cơ sở tính lương hưu và trợ cấp 1 lần khi mới nghỉ hưu.

2. Nhằm ưu đãi những người có thời gian chiến đấu và lao động qua các thời kỳ kháng chiến, trong những ngành nghề độc hại, nặng nhọc, ở những địa bàn có chiến sự và những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn, gian khổ, thời gian công tác trong những điều kiện nói trên được tính theo hệ số như sau:

a. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 6 tháng (thành 18 tháng. Nói cách khác: có 8 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm). Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; trong những thời gian chiến đấu ở các chiến trường; trong những thời gian lao động trong các ngành nghề đặc biệt độc hại, nặng nhọc, theo danh mục ngành nghề được quy định tại Thông tư số 111-QP ngày 19-4-1965 của Bộ Quốc phòng; trong những thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu tại những địa bàn có phụ cấp chiến đấu từ 10% đến 20% hoặc hoạt động ở những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn, gian khổ, có phụ cấp khu vực 25%.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian hoạt động trong kháng chiến chống Pháp; ở các chiến trường miền Nam, Lào, Căm-pu-chia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ tháng 7-1954 đến hết tháng 4-1975; làm nhiệm vụ ở biên giới Tây nam từ tháng 5-1975 đến hết năm 1978 và ở biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 trở đi; làm việc trong những ngành nghề được xếp vào loại đặc biệt độc hại, nặng nhọc trong các thang bảng lương mới ban hành hoặc được xếp trong danh mục ngành nghề loại V trong bảng phân loại lao động do Bộ Lao động công bố kèm theo Quyết định số 278-LĐ-QĐ ngày 13-11-1976; làm nhiệm vụ ở những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn gian khổ có phụ cấp khu vực 25% hoặc có phụ cấp chiến đấu từ 10 đến 20% theo các quy định mới ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 về cải tiến chế độ tiền lương.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác của công nhân, viên chức, quân nhân được cử đi hoạt động và làm chuyên gia ở Lào và Căm-pu-chia trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

b. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 4 tháng (thành 16 tháng. Nói cách khác: có 9 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm).

Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong những thời gian phục vụ trong quân ngũ.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ tại các vùng thường xuyên có chiến sự ở miền Bắc được quy định tại Thông tư số 39-BT ngày 21-4-1982 của Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích chống Mỹ cứu nước (cụ thể là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và khu Vĩnh Linh tính từ ngày 5-8-1964 đến ngày 28-1-1973); làm việc trong những ngành nghề độc hại được xếp trong các thang bảng lương mới ban hành hoặc các ngành nghề được xếp trong danh mục ngành nghề loại IV theo quy định của Bộ Lao động; làm nhiệm vụ ở những vùng có phụ cấp khu vực 20%.

c. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 2 tháng (thành 14 tháng. Nói cách khác: có 11 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm).

Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho những công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc; làm nhiệm vụ ở những vùng có phụ cấp khu vực 15%.

d. Nếu không có các điều kiện đặc biệt về chiến đấu và lao động nói ở trên, thì thời gian công tác vẫn theo thông thường: 1 năm là 12 tháng.

3. Những cán bộ có thời gian hoạt động từ tháng 1-1945 đến ngày khởi nghĩa, chưa được xếp vào diện cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 để được hưởng trợ cấp ưu đãi, được lấy quãng thời gian này để tính vào thời gian công tác. Có từ 1 đến 8 tháng hoạt động trong thời gian này đều được tính là có 1 năm công tác.

[...]