Thông tư 469-TCCP-1981 hướng dẫn thi hành Quyết định 94-HĐBT-1981 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương do Ban Tổ chức của Chính phủ ban hành
Số hiệu | 469-TCCP |
Ngày ban hành | 02/12/1981 |
Ngày có hiệu lực | 17/12/1981 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Ban Tổ chức của Chính phủ |
Người ký | Vũ Trọng Kiên |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BAN TỔ CHỨC CỦA
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 469-TCCP |
Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1981 |
Căn cứ Điều 7 của Quyết định nói trên Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn việc thi hành như sau:
I. TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP PHƯỜNG BAO GỒM HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN
1. Hoạt động của Hội đồng nhân dân phường theo các Điều 100, 115, 117, 118 và 120 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định số 94-HĐBT ngày 26-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Uỷ ban nhân dân phường là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường.
Là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường có nhiệm vụ:
a) Triệu tập hội nghị và tổ chức các kỳ họp của Hội đồng nhân dân theo luật quy định;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và báo cáo kết quả trước Hội đồng nhân dân;
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Hội đồng nhân dân phường hoạt động như thông báo tình hình, tổ chức địa điểm cho đại biểu tiếp xúc với cử tri.
Là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, Uỷ ban nhân dân phường tổ chức thực hiện 8 nhiệm vụ ở điều 2 trong Quyết định số 94-HĐBT ngày 26-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Trong khi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện cần lưu ý:
1. Khi giao nhiệm vụ cho cấp phường thì giao cả quyền hạn được giải quyết, có việc phải quy định thời hạn hoàn thành.
2. Quy định rõ nhiệm vụ giữa cấp trên trực tiếp và cấp phường, tránh chồng chéo, dẫm đạp về nhiệm vụ, hoặc bỏ sót việc mà không ai chịu trách nhiệm chính. Cần quy định rõ nội dung công việc của cấp phường và các ngành chuyên môn, không để đùn đẩy lẫn nhau.
3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân phường xây dựng chương trình, kế hoạch và quy chế công tác. Về công tác hành chính, cần quy định thống nhất số lượng sổ sách, mẫu sổ sách, cách quản lý công văn, giấy tờ, văn thư, lưu trữ; quy định thủ tục xác nhận đơn, chứng nhận lý lịch, sao lục các giấy tờ đúng nguyên tắc nhưng không gây phiền hà cho nhân dân.
4. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính Nhà nước và các công tác như giữ gìn an ninh, hậu phương quân đội, thanh tra, hoà giải, điều lệ phạt vi cảnh, một số chính sách và nguyên tắc quản lý xã hội.
5. Về quy mô cấp phường, nói chung quy mô cấp phường như quyết định đã ghi là có khoảng từ 7000 đến 12000 dân. Riêng những phường ở các thị xã thuộc miền núi và những thị xã mới thành lập thì không nhất thiết phải đủ 7000 dân.
6. Nói rõ một số điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ:
- Về an ninh: Chú trọng các biện pháp nhằm ngăn chặn không để xảy ra hoả hoạn, cướp giật, trộm cắp và các ổ buôn lậu; thực hiện các biện pháp không để bọn phản động, bọn phá hoại hiện hành, bọn lưu manh ẩn nấp trong phường (có sự hướng dẫn của cấp trên).
- Về quản lý dân: Nắm được dân là nhiệm vụ chủ yếu; nắm về số lượng, cách làm ăn sinh sống từng người từng hộ, thông qua đó mà phân loại các đối tượng cần quản lý.
- Vận động nhân dân tham gia quản lý một số mặt như sửa chữa nhỏ các đường hẻm, làm vệ sinh thu dọn rác, và quản lý một đoạn đường, quét vôi, bảo vệ vòi nước công cộng v.v...
- Về công thương nghiệp: Giao cho Uỷ ban nhân dân phường quản lý một số tổ hợp tác xã và cá thể nhằm:
1. Phục vụ nhu cầu thiết thực của nhân dân trong phường giải quyết một phần khó khăn về kinh tế hiện nay, kể cả việc sản xuất hàng tiêu dùng.
2. Quản lý chặt chẽ những người làm ăn riêng lẻ, phát hiện và xử lý (theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp trên) đối với những người buôn hàng giả và các cửa hàng trá hình.
II. TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
Chính quyền phường là chính quyền cấp cơ sở, là nơi trực tiếp với dân và dựa vào dân để tổ chức thực hiện phong trào hành động cách mạng của quần chúng; do đó bộ máy làm việc của phường phải tổ chức gọn nhẹ và thiết thực. Ngoài việc kiện toàn Uỷ ban nhân dân phường, còn phải chăm lo xây dựng kiện toàn các tổ dân phố để triển khai công việc đến từng người dân được kịp thời, đồng thời phải xây dựng các đội công tác và các tiểu ban chuyên môn. Các tổ chức này do nhân dân trong phường tự nguyện tham gia và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân phường.
A. SỐ LƯỢNG UỶ VIÊN UỶ BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
Uỷ ban nhân dân phường được bầu từ 5 đến 7 uỷ viên; những phường dưới 7000 dân thì bầu 5 uỷ viên; những phường từ 7000 dân trở lên thì bầu từ 5 đến 7 uỷ viên, bộ phận thường trực của Uỷ ban nhân dân phường là 3 người (Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thư ký). Riêng những phường trọng điểm đông dân có 7 uỷ viên thì được bầu thêm một Phó chủ tịch.
Uỷ ban nhân dân phường làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn của mình, uỷ viên Uỷ ban nhân dân phường còn phân công phụ trách một số tổ dân phố.