Thông tư 465-TC-VP năm 1956 giải thích chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 465-TC-VP
Ngày ban hành 25/09/1956
Ngày có hiệu lực 10/10/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 465-TC-VP

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ CHÍNH SÁCH THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KINH DOANH RƯỢU

Tại sao cần phải thống nhất quản lý rượu?
Các chính sách đối với việc kinh doanh rượu.

Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số.
Bộ máy quản lý rượu.

Phần thứ nhất:

TẠI SAO CẦN QUẢN LÝ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RƯỢU?

A. TÌNH HÌNH RƯỢU Ở NƯỚC TA HỒI PHÁP THUỘC

Uống rượu là một tập quán của nhân dân. Sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, việc dùng rượu càng được Pháp khuyến khích và phát triển.

Rượu có thể chia làm 5 loại:

1) Rượu uống

2) Rượu dùng để bào chế thuốc men và nói chung, dùng trong việc y tế (gồm Đông y và Tây y)

3) Rượu dùng trong công nghệ (xưởng gỗ, xưởng sơn, xưởng thuốc lá…)

4) Rượu chạy máy

5) Rượu đốt (cồn)

Trong 5 loại này thì rượu uống là thứ phổ biến nhất và số lượng nhiều hơn cả.

I. CHẾ ĐỘ RƯỢU DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC

Vì rượu dùng trong nhân dân phổ biến và nhiều như vậy, cho nên thực dân Pháp đã chủ trương nắm chặt lấy nguồn thu về rượu để tăng cường bộ máy thống trị và làm giàu cho tư bản Pháp.

Có tên thực dân đã nói trắng rằng: “Muốn thống trị Đông dương thì chỉ cần nắm lấy muối, rượu và thuốc phiện”.

Chúng ta thấy rằng trong các nguồn tài chính của Đông dương thì thuế quan là phần chính, chiếm chung 20 phần trăm; ngoài ra có thuốc phiện, rượu, thuốc lá, và muối là các nguồn thu lớn hơn cả, vì chúng đã chia ra các thứ thuế đinh, thuế điền, môn bài, thổ trạch v .v… cho ngân sách 3 kỳ.

Riêng thuế rượu là nguồn thuế khá chắc chắn của thực dân; nó chiếm từ 8 đến 11 phần trăm ngân sách cả năm của Đông dương. Vì thế cho nên một ngày sau khi xâm chiếm Nam bộ, chúng đã ban hành thuế rượu và lần lần chúng tiến đến độc quyền ở khắp Đông dương.

- Bắt đầu thuế rượu ngày 21-4-1862.

- Độc quyền rượu (độc quyền sản xuất, độc quyền bán, độc quyền vận chuyển và độc quyền xuất nhập khẩu).

1) Chế độ bỏ thầu việc kinh doanh rượu ban hành ngày 05-10-1921.

2) Chế độ nhà Đoan trực tiếp phụ trách độc quyền từ 1902 đến 1913.

3) Chế độ nhà Đoan gián tiếp phụ trách độc quyền từ 1913 đến 1933.

4) Chế độ giả danh là “tự do cạnh tranh” (!): sau 1933 hình thức dù có thay đổi nhưng thực chất vẫn là độc quyền vì rượu Phông-ten trước sau vẫn chiếm 95% tổng số rượu sản xuất toàn Đông dương và được cả bộ máy thống trị của Pháp làm hậu thuẫn.

II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ

Thời Pháp thuộc, rượu tiêu thụ ở nước ta có ba nguồn:

1) Rượu uống và rượu cồn do các nhà máy của tư bản thực dân nấu. Ngoài nhà máy của Pháp ra còn hơn 10 xưởng của người Việt nam và Hoa kiều, nhưng số rượu sản xuất không đáng kể.

[...]