Thông tư 423-DC/DS năm 1959 về việc ghi chú các việc hộ tịch của Việt kiều hiện cư trú ở Pháp và Pháp kiều trước đây cư trú ở Việt nam vào sổ hộ tịch của ta do Bộ Nội Vụ ban hành

Số hiệu 423-DC/DS
Ngày ban hành 24/02/1959
Ngày có hiệu lực 11/03/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 423-DC/DS

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GHI CHÚ CÁC VIỆC HỘ TỊCH CỦA VIỆT KIỀU HIỆN CƯ TRÚ Ở PHÁP VÀ PHÁP KIỀU TRƯỚC ĐÂY CƯ TRÚ Ở VIỆT NAM VÀO SỔ HỘ TỊCH CỦA TA

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố

Gần đây một số địa phương như Hà nội, Hải phòng, Hồng quảng, Hưng yên, vv… có nhận được công  văn của Bộ Ngoại giao báo những việc khai tử kết hôn, những án ly hôn của Việt kiều hiện cư trú ở Pháp và của Pháp kiều trước đây cư trú ở Việt Nam để xin ghi chú vào sổ hộ tịch của ta ở trang đã đăng ký việc sinh hay đăng ký việc kết hôn của đương sự, khi họ còn ở Việt Nam. Có nơi đã tự động giải quyết bằng cách cho đăng ký những việc hộ tịch ấy vào sổ hộ tịch đương niên của địa phương rồi gửi giấy chứng nhận về Bộ Ngoại giao, không báo cáo cho Bộ Nội vụ biết. Có nơi thì xin ý kiến Bộ Nội vụ. Có nơi thì mặc dầu đã nhận được công văn của Bộ Ngoại giao nhưng vẫn chưa làm gì cả, chưa hỏi ý kiến Bộ Nội vụ mà cũng chưa trả lời Bộ Ngoại giao, vv… Nói chung hầu hết các địa phương đều lúng túng chưa biết phải giải quyết việc ghi chú này ra sao.

Để giải quyết những việc ghi chú này, sau khi đã trao đổi và thống nhất ý kiến với các Bộ Ngoại giao và Tư pháp, Bộ quy định tạm thời như sau:

Đối với những việc xin ghi chú của Việt kiều và của Pháp kiều, Bộ thấy có 2 trường hợp:

1. Trường hợp còn sổ hộ tịch cũ thì khi nhận được công văn của Bộ Ngoại giao, Ủy ban hành chính  địa phương sẽ ghi chú theo cách thức dưới đây:

a) Nếu là giấy báo một việc đăng ký kết hôn thì ghi chú vào trang đã đăng ký việc sinh của đương sự ở chổ chú thích là: “Đã kết hôn với ông (hay bà)… ngày… tháng…năm… tại… theo Công văn số… ngày… tháng… năm… của Bộ Ngoại giao”.

b) Nếu là giấy báo một việc đăng ký khai tử,  thì cũng ghi chú sự việc này vào trang đã đăng ký việc sinh của người chết.

c) Nếu là giấy báo một án ly hôn thì ghi chú sự việc này vào trang đã đăng ký việc sinh và trang đã đăng ký việc kết hôn của những người đã được Tòa án cho ly hôn.

Trường hợp các đương sự có xin cấp trích lục mới thì khi cấp đều phải ghi cả điều chú thích nói trên.

2. Trường hợp không còn sổ sách hộ tịch cũ thì không thể ghi chú gì được, nhưng cũng phải báo cáo cho Bộ Ngoại giao biết.

Riêng đối với Việt kiều thì trong cả hai trường hợp nói trên, còn sổ sách hộ tịch cũ hay không còn nữa, cũng đều phải báo cho thân nhân họ biết.

Trong tất cả các trường hợp nói trên, các Ủy ban hành chính khi giải quyết không trả lời thẳng cho đương sự hoặc các cơ quan của Pháp mà nhất thiết phải báo cáo cho Bộ Ngoại giao để cho Bộ Ngoại giao làm các thủ tục cần thiết, đồng thời gửi cho Bộ Nội vụ 1 bản sao công văn hay phiếu gửi để Bộ nắm và theo dõi được tình hình. Nếu cần thu tiền về việc cấp trích lục thì cũng nên tin luôn cho Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao thu hộ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu