Thông tư 40/2016/TT-BTNMT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 40/2016/TT-BTNMT
Ngày ban hành 19/12/2016
Ngày có hiệu lực 10/02/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Chu Phạm Ngọc Hiển
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2016/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh     

Thông tư này quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường cho các loại bản tin và thời hạn dự báo khí tượng thủy văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia; tổ chức, cá nhân có hoạt động dự báo, cảnh báo được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương án dự báo là cách thức cụ thể để phân tích, tính toán, dự báo, cảnh báo các yếu tố hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn cho một địa điểm hoặc khu vực.

2. Đánh giá chất lượng dự báo là các hoạt động nhằm xác định tính đầy đủ, kịp thời của bản tin dự báo và độ tin cậy của các yếu tố, hiện tượng dự báo.

3. Bổ sung bản tin dự báo là việc tăng số lượng bản tin dự báo so với quy định để điều chỉnh, hiệu chỉnh nội dung bản tin trên cơ sở những thông tin mới nhất nhằm đáp ứng kịp thời và đảm bảo độ tin cậy của dự báo. Bổ sung bản tin dự báo là một phần quan trọng không thể thiếu của các hoạt động dự báo, cảnh báo.

4. Thảo luận dự báo là hoạt động trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá kết quả dự báo của các dự báo viên, chuyên gia và các phương án dự báo khác nhau để lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất.

5. Sai số dự báo là khoảng chênh lệch giữa dự báo và thực đo của các hiện tượng, yếu tố khí tượng thủy văn tại thời điểm dự báo, bao gồm sai số về giá trị, thời gian, không gian và khả năng xuất hiện các hiện tượng.

Điều 4. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Các yếu tố và hiện tượng khí tượng

a) Mây: Lượng mây, loại mây, độ cao chân mây;

b) Mưa: Dạng mưa và cấp mưa, khả năng mưa, lượng mưa, phân bố mưa theo không gian, phân bố mưa theo thời gian;

c) Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cao nhất, nhiệt độ thấp nhất, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối;

d) Gió: Hướng gió, tốc độ gió;

đ) Độ ẩm tương đối: Độ ẩm tương đối cao nhất, độ ẩm tương đối thấp nhất, độ ẩm tương đối trung bình;

e) Tầm nhìn xa;

[...]