Thông tư 4-TS/VTTT/VG-1981 hướng dẫn quản lý thị trường đối với sản phẩm và vật tư thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản ban hành

Số hiệu 4-TS/VTTT/VG
Ngày ban hành 05/10/1981
Ngày có hiệu lực 20/10/1981
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Tấn Trịnh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-TS/VTTT/VG

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 1981

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 4-TS/VTTT/VG NGÀY 5 THÁNG 10 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM VÀ VẬT TƯ THUỶ SẢN.

Thi hành Quyết định số 312-CP ngày 1/10/1980 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường, Bộ hướng dẫn các địa phương và cơ sở thực hiện như sau.

I. VỀ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VẬT TƯ VÀ SẢN PHẨM CỦA NGHỀ CÁ BIỂN.

1. Quản lý vật tư:

a. Nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, dây, lưới, sợi, và các vật tư khác do Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu để phục vụ cho nghề cá theo kế hoạch từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ, cấm tư thương buôn bán trên thị trường tự do.

Tất cả các loại vật tư ghi trong danh mục sau đây phải được quản lý chặt chẽ, mọi biểu hiện cung cấp không đúng đối tượng, không đúng mục đích, nhượng lại, bán lại (không được cơ quan chủ quản cho phép) lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hối lộ lấy cắp đều là phạm pháp phải nghiêm trị.

b. Danh mục vật tư thuỷ sản thống nhất quản lý:

Ngoài danh mục vật tư ở Quyết định số 312-CP và trong thông tư hướng dẫn thực hiện của các ngành đã công bố, các Sở, Ty cần lưu ý đưa vào danh mục quản lý các loại vật tư trong ngành thuỷ sản sử dụng:

- Lưới, sợi, giềng các loại thuộc hàng nhập;

- Các loại hàng chất dẻo để kéo dây, sợi dệt lưới, làm phao, làm thùng nhựa, xốp cách nhiệt;

- Thuốc nhuộm lưới;

- Vải buồm;

- Gỗ đóng sửa tàu thuyền;

- Máy thuỷ, máy lạnh, máy vô tuyến điện, các phụ tùng đồ điện dùng cho nghề cá;

- Kim khí: chì, dây cáp mạ, dây thép mạ, thép lá mạ;

- Hoá chất Chlorin, NH3, Fréon các loại BN-78;

- Nhiên liệu xăng, điêzen, dầu nhờn;

- Bóng, mạng đèn măng sông;

2. Quản lý sản phẩm thuỷ sản:

a. Nguyên tắc:

Thủy sản xuất khẩu: Tôm, cá, đặc sản thuộc diện xuất khẩu Nhà nước thống nhất quản lý thu mua toàn bộ kể cả trong và ngoài kế hoạch bằng hợp đồng kinh tế hai chiều theo giá chỉ đạo và giá thoả thuận, cấm tư thương buôn bán lưu thông trên thị trường tự do. Những nơi chưa tổ chức thu mua để xuất khẩu được thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quy định cụ thể về việc thu mua, chế biến, tiêu thụ tại địa phương.

Để có đủ thuỷ sản cung cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân theo định lượng, Nhà nước quản lý thu mua đại bộ phận sản phẩm thuỷ sản ở những vùng sản xuất tập trung trên các ngư trường và tại các bến cá chính. Người sản xuất có nghĩa vụ nộp đủ thuế, bán đủ số lượng và chất lượng sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều. Số còn lại người sản xuất được trực tiếp tiêu thụ hoặc thông qua chế bán tại thị trường địa phương. Nếu Nhà nước hoặc hợp tác xã tiêu thụ có nhu cầu, người sản xuất bán cho Nhà nước hoặc hợp tác xã tiêu thụ theo giá thoả thuận.

Cấm tư thương không đợc đến các bến cá, ngư trường để mua sản phẩm thuỷ sản.

b. Danh mục sản phẩm thuỷ sản Nhà nước thống nhất quản lý thu mua:

Thuỷ sản xuất khẩu:

- Các loại tôm tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như tôm he, tôm thẻ, tôm sú, tôm rằn, tôm bạc, tôm gân, tôm chì, tôm bột, tôm rảo, tôm nghệ, tôm sắt, tôm hùm, tôm mu ni (bề bề), tôm càng xanh;

- Một số cá chính như chim, thu, hồng, mú (song), dưa, kẽm;

[...]