Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 4-PC/TT-1985 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 156-HĐBT-1984 về cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh và Quyết định 162-HĐBT-1984 của HĐBT về tổ chức hoạt động liên kết trong kinh tế do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành

Số hiệu 4-PC/TT
Ngày ban hành 16/02/1985
Ngày có hiệu lực 03/03/1985
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Tô Duy
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-PC/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1985

 

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 4-PC/TT NGÀY 16 THÁNG 2 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 156-HĐBT NGÀY 30-11-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẢI TIẾN QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 162-HĐBT NGÀY 14-12-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT TRONG KINH TẾ

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá V) đã có những quyết định quan trọng về cải tiến cơ chế quản lý kinh tế. Trên cơ sở lấy kế hoạch làm công cụ trung tâm, gắn kế hoạch với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lý kinh tế mới mở rộng quyền chủ động sáng tạo của các cơ sở, mở rộng hoạt liên kết trong kinh tế, nhằm phát huy mọi khả năng để phát triển sản xuất ở cơ sở đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.

Nhằm thể chế hoá Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984 về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh và Quyết định số 162-HĐBT ngày 14-12-1984 về tổ chức hoạt động liên kết trong kinh tế.

Trong lĩnh vực hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư hướng dẫn thi hành các nghị quyết và quyết định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng như sau:

I. KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ THEO CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH

Hợp đồng kinh tế là công cụ để hình thành, cụ thể hoá và thực hiện kế hoạch. Cơ chế quản lý mới phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc khai thác mọi nguồn khả năng để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh, đồng thời khuyến khích cơ sở sản xuất sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh nhằm làm ra nhiều của cải cho xã hội. Do vậy, có hợp đồng ký kết để thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh (gọi tắt là hợp đồng theo chỉ tiêu pháp lệnh ) và hợp đồng ký kết để sản xuất và trao đổi sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh (gọi tắt là hợp đồng ngoài chỉ tiêu pháp lệnh).

Hợp đồng theo chỉ tiêu pháp lệnh là hợp đồng ký kết giữa các đơn vị cơ sở, nhằm bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước do các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cụ thể hoá và phân bổ cho các liên hiệp xí nghiệp, tổng công ty, công ty, xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp trực thuộc (nếu là cơ sở thuộc Bộ, Tổng cục quản lý), các Sở quản lý ngành, Uỷ ban Nhân dân huyện, quận (nếu là cơ sở thuộc tỉnh, thành phố hoặc huyện, quận quản lý).

Hợp đồng ngoài chỉ tiêu pháp lệnh là hợp đồng ký kết giữa các đơn vị cơ sở thông qua hoạt động liên kết kinh tế nhằm sản xuất và trao đổi sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh phải gắn liền với trình tự xây dựng và thực hiện kế hoạch, cụ thể là:

1. Trong quý II và quý III năm trước của năm kế hoạch, xí nghiệp căn cứ vào các yêu cầu và con số hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên thông báo, vào nhu cầu thị trường, khả năng tiêu thụ và các nguồn vật tư có thể khai thác được bàn bạc và ký các hợp đồng kinh tế làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch. Việc xây dựng dự án kế hoạch của xí nghiệp phải dựa trên cơ sở các hợp đồng kinh tế đã ký hoặc dự định ký để bảo đảm cân đối giữa khả năng cung ứng, tìm kiếm vật tư và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, khi bảo vệ kế hoạch với cơ quan quản lý cấp trên, xí nghiệp xuất trình những hợp đồng kinh tế đã ký và dự định ký để làm cơ sở cho việc xét duyệt kế hoạch và giao chỉ tiêu pháp lệnh cho xí nghiệp.

2. Trong tháng 12 năm trước của năm kế hoạch, sau khi được cơ quan quản lý cấp trên chính thức giao chỉ tiêu pháp lệnh, xí nghiệp kịp thời bàn bạc với các đơn vị liên quan để điều chỉnh lại hợp đồng kinh tế đã ký và ký các hợp đồng kinh tế mới. Việc điều chỉnh hợp đồng và ký hợp đồng mới phải bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Trong trường hợp đã cố gắng đến mức cao nhất mà vẫn không có khả năng và điều kiện vật chất để ký hợp đồng bảo đảm thực hiện một chỉ tiêu pháp lệnh nào đó, thì xí nghiệp phải báo cáo cụ thể với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để có sự can thiệp, nhằm tạo điều kiện cần thiết cho xí nghiệp ký hợp đồng bảo đảm thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh đó. Chậm nhất là trong tháng 1 của năm kế hoạch, xí nghiệp tranh thủ cùng các tổ chức cung ứng vật tư, năng lượng, các tổ chức tiêu thụ, vận tải, dịch vụ... hoàn thành việc ký kết các hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.

3. Trong quá trình thực hiện kế hoạch và hợp đồng, nếu xuất hiện những nhu cầu và khả năng cần đổi mới thông qua liên kết kinh tế, xí nghiệp tiến hành ký kết các hợp đồng kinh tế mới nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu pháp lệnh.

Trường hợp vì lý do khách quan, sau khi tìm mọi biện pháp khắc phục vẫn không có khả năng thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh, thì xí nghiệp báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên xin điều chỉnh vào đầu quý III của năm kế hoạch. Sau khi có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền về việc điều chỉnh chỉ tiêu pháp lệnh, xí nghiệp phải kịp thời bàn bạc với các đơn vị liên quan điều chỉnh lại các hợp đồng đã ký.

4. Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày hết hiệu lực của hợp đồng, xí nghiệp phải cùng với bên liên quan thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng. Khi thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng, xí nghiệp phải kiểm điểm việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng nhất là các điều khoản về số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian, địa điểm thanh toán; đồng thời xác định bên nào còn nợ của nhau về sản phẩm, vật tư, tiền vốn và thoả thuận về thời gian trả xong nợ. Nếu quá thời hạn trả nợ mà không chịu trả thì bên đương sự khiếu nại đến cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền để xét xử theo pháp luật về hợp đồng kinh tế. Cần kết hợp việc thanh lý và quyết toán hợp đồng với hạch toán kinh tế, phân tích hiệu quả của sản xuất kinh doanh, đối chiếu số vật tư chi phí bỏ ra với số lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất được và giao nộp cùng với lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách.

Việc thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng phải được ghi vào biên bản do đại diện có thẩm quyền của các bên ký. Trên cơ sở thanh lý và quyết toán thực hiện hợp đồng, cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp. Kết quả thực hiện hợp đồng là một căn cứ quan trọng để xác nhận việc hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh.

5. Mọi việc trì hoãn, từ chối ký kết hợp đồng kinh tế sau khi có số hướng dẫn kế hoạch, hoặc có chỉ tiêu pháp lệnh, việc ký thấp hơn chỉ tiêu pháp lệnh, ký kéo dài kỳ hạn thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh, việc tùy tiện điều chỉnh hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã ký, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và nghiêm chỉnh hợp đồng kinh tế đã ký kết đều bị coi là vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế và đều do cơ quan trọng tài kinh xét xử theo thẩm quyền quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

II. KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ NGOÀI CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế ngoài chỉ tiêu pháp lệnh không nhất thiết theo trình tự các bước của kế hoạch hoá như đã quy định ở phần I trên đây mà nó được xây dựng và ký kết thông qua hoạt động liên kết kinh tế trong quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch trong cả năm.

Mọi hoạt động liên kết kinh tế phải thể hiện trong kế hoạch của cơ sở và phải thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

1. Các xí nghiệp, cơ quan thiết kế, cơ sở nghiên cứu và triển khai kỹ thuật, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải có tư cách pháp nhân thì mới được tiến hành những hoạt động liên kết kinh tế và ký hợp đồng. Riêng các tổ hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và hộ kinh doanh tư nhân phải có hai điều kiện là được phép kinh doanh và có tài khoản ở ngân hàng thì mới được tiến hành những hoạt động liên kết kinh tế và ký hợp đồng.

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch liên kết kinh tế của các đơn vị kinh doanh trực thuộc; đồng thời phải phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những việc làm trái với quy chế liên kết kinh tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước và gây khó khăn cho việc quản lý kinh tế, tài chính, thị trường, giá cả.

2. Nghiêm cấm dùng vật tư, hàng hoá của Nhà nước được phân phối theo kế hoạch để sản xuất sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, hoặc trao đổi lấy chênh lệch giá; không được tự ý rút bớt sản phẩm thuộc phần nghĩa vụ Nhà nước giao về thu mua, giao nộp sản phẩm và hàng xuất khẩu để trao đổi với nhau. Việc sản xuất và trao đổi sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh phải được thể hiện trong kế hoạch của xí nghiệp và được sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.

3. Để sản xuất và trao đổi sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, xí nghiệp tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế với các bên liên quan, nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh và không được trái với các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hợp đồng ngoài chỉ tiêu pháp lệnh được ký kết trên cơ sở tự nguyện, thoả thuận giữ đôi bên và cùng có lợi. Nội dung hợp đồng ngoài chỉ tiêu pháp lệnh cũng phải bao gồm những điều khoản chủ yếu như số lượng sản phẩm hoặc công việc giao dịch; chất lượng sản phẩm hoặc công việc; thời gian địa điểm giao nhận; giá cả; thể thức thanh toán; thưởng phạt vật chất; thời gian, có hiệu lực của hợp đồng. Các bên cần dựa vào chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế của Nhà nước mà vận dụng vào việc ký kết hợp đồng này trên nguyên tắc đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường, tài chính, tiền tệ, giá cả.

Riêng điều khoản về thưởng, phạt vật chất, các bên có thể thoả thuận quy định như sau: về thưởng vật chất, các bên có thể thoả thuận ghi trong hợp đồng một số tiền nhất định để thưởng cho bên nào hoàn thành tốt hợp đồng. Về phạt vật chất, các bên có thể thoả thuận áp dụng thi hành chế tài vật chất theo các quy định của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế, hoặc là thoả thuận ghi trong hợp đồng một số tiền phạt, tiền bồi thường phải trả khi xảy ra vi phạm.

4. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm hợp đồng ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, nếu các bên đã bàn bạc giải quyết nhưng không đạt kết quả, thì khiếu nại kịp thời đến cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền để xét xử. Khi xét xử, trọng tài kinh tế căn cứ vào nội dung bản hợp đồng, mức độ vi phạm và gây thiệt hại, chế tài vật chất mà các bên thoả thuận, đồng thời căn cứ vào chính sách, pháp luật của Nhà nước để có những quyết định đúng đắn trên cơ sở bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên ký kết hợp đồng kinh tế.

Nếu các bên đương sự không chịu khiếu nại mà qua thanh tra, kiểm tra hoặc các nguồn thông tin khác, cơ quan trọng tài kinh tế phát hiện và chủ động đưa ra xét xử, thì bên bị vi phạm có thể không được hưởng tiền bồi thường như đã thoả thuận ghi trong hợp đồng, toàn bộ hoặc một phần tiền bồi thường phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

[...]