Quyết định 162-HĐBT năm 1984 về tổ chức hoạt động liên kết trong kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 162-HĐBT
Ngày ban hành 14/12/1984
Ngày có hiệu lực 29/12/1984
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 162-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 162-HĐBT NGÀY 14-12-1984 VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT TRONG KINH TẾ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để thực hiện việc đổi mới kế hoạch hoá theo xu hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cơ sở, xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở lên;

Để nâng cao hiệu quả của phương thức liên kết kinh tế giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tốt mọi tiềm năng phát triển của từng đơn vị và nền kinh tế nói chung nhằm khắc phục khó khăn về điều kiện vật chất, tăng cường khả năng cân đối cho kế hoạch Nhà nước; sắp xếp lại các ngành sản xuất, kinh doanh theo hướng đi lên sản xuất lớn và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa;

Để bước đầu thể chế hoá chủ trương liên kết kinh tế, làm căn cứ hướng dẫn các cơ sở, các ngành, các địa phương hoạt động đúng hướng, mang lại kết quả thiết thực, ngăn ngừa các biểu hiện lệch lạc trong quá trình thực hiện cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp trong việc chỉ đạo.

QUYẾT ĐỊNH

1. Thực hiện rộng rãi các hoạt động và các hình thức liên kết giữa các đơn vị, các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể và gia đình nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng của sự phân công chuyên môn hoá và hợp tác.

2. Việc thực hiện liên kết kinh tế phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a. Trên cơ sở sử dụng tốt các năng lực hiện có, thúc đẩy sản xuất phát triển hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, bảo đảm các nghĩa vụ giao nộp sản phẩm và nộp lãi cho Nhà nước và cải thiện đời sống cho người lao động.

b. Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý kinh tế như quản lý sản phẩm, quản lý thị trường, quản lý vật tư, giá cả, tài chính, tiền tệ.

Nghiêm cấm dùng vật tư, hàng hoá của Nhà nước được phân phối theo kế hoạch để trao đổi lấy chênh lệch giá; không được tự ý rút bớt nghĩa vụ Nhà nước giao về thu mua, giao nộp sản phẩm và hàng xuất khẩu để trao đổi với nhau.

c. Các hoạt động liên kết phải thực hiện thông qua hình thức hợp đồng kinh tế và phải thể hiện đầy đủ trong hệ thống các cân đối của kế hoạch Nhà nước, kế hoạch địa phương, kế hoạch ngành, kế hoạch cơ sở.

d. Việc thực hiện liên kết phải trên cơ sở tự nguyện, với tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, cùng có lợi, bảo đảm kết hợp hài hoà lợi ích kinh tế của các bên tham gia.

đ. Các tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân, các cơ quan thiết kế, các cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật được tổ chức các hoạt động liên kết kinh tế. Các cơ quan chính quyền, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch liên kết kinh tế của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật trực thuộc.

3. Nội dung liên kết kinh tế bao gồm hiệp tác và phân công sản xuất, cung cấp nguyên liệu, áp dụng tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật, trao đổi lao động, máy móc vật tư khi cần thiết, vận tải, tiêu thụ sản phẩm. Phương hướng cơ bản nhất hiện nay là liên kết các yếu tố vật chất và kỹ thuật để phát triển sản xuất, tăng sản phẩm cho xã hội, tăng tích luỹ cho Nhà nước và cải thiện đời sống nhân dân.

4. Để bảo đảm cho các hoạt động liên kết được ổn định và Nhà nước có điều kiện quản lý chặt chẽ, cần đưa hoạt động liên kết vào các hình thức tổ chức thích hợp từ thấp đến cao:

a. Các đơn vị liên kết với nhau trong từng chương trình nhất định, từng khâu nhất định, từng thời gian nhất định thông qua việc ký kết hợp đồng kinh tế.

b. Các đơn vị liên kết với nhau bằng những quan hệ tương đối ổn định, lâu dài, vững chắc bằng hình thức liên doanh của nhiều đơn vị kinh tế hợp tác cùng nhau xây dựng các cơ sở sản xuất, dịch vụ kỹ thuật chung bằng vốn và lao động của các thành viên độc lập, có tư cách pháp nhân.

c. Các đơn vị liên kết bằng hình thức tổ chức liên hiệp giữa các xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã để liên kết công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu nông nghiệp, lâm sản, thuỷ sản.

d. Liên kết các xí nghiệp trong cùng một ngành sản xuất.

đ. Liên kết giữa cơ sở nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và triển khai kỹ thuật với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

5. Các hoạt động liên kết kinh tế phải được kế hoạch hoá và đưa vào kế hoạch 3 cấp:

a. Các nguồn vật tư, nguyên liệu bổ sung ngoài nguồn do Nhà nước cân đối, các khả năng mới về dịch vụ kỹ thuật, về tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất, kinh doanh thông qua việc liên kết kinh tế.

b. Các hoạt động liên kết phải được thể hiện rõ bằng phần sản phẩm tăng thêm, lợi nhuận phân phối giữa các thành viên của tổ chức liên kết, phần sản phẩm giao nộp và các khoản tài chính nộp vào ngân sách Nhà nước.

c. Các chỉ tiêu giao nộp sản phẩm và nộp lãi của xí nghiệp do hoạt động liên kết kinh tế phải theo đúng các chính sách, chế độ Nhà nước về tài chính và về sản phẩm để lại cho xí nghiệp để xí nghiệp tiếp tục tạo nguồn vật tư, hàng hoá, tiền vốn, khai thác khả năng của bản thân và đẩy mạnh liên kết nhằm tự cân đối đến mức cao nhất cho yêu cầu phát triển sản xuất.

d. Ngoài phần kế hoạch sản xuất được Nhà nước cung ứng vật tư và phần do xí nghiệp tự cân đối thể hiện thành chỉ tiêu pháp lệnh, các đơn vị cơ sở tự quyết định phần kế hoạch bổ sung thêm bằng liên kết kinh tế; Nhà nước không giao thêm chỉ tiêu pháp lệnh về nghĩa vụ giao nộp sản phẩm, những xí nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ Nhà nước về quản lý thị trường, giá cả, và về kế toán, tài chính.

e. Phần kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngoài chỉ tiêu pháp lệnh bằng các vật tư, nguyên liệu hàng hoá, liên kết cần được hạch toán riêng rõ ràng.

[...]