Thông tư 38 TC/TCCB năm 1990 về hướng dẫn thực hiện Nghị định 281/HĐBT về thành lập hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính

Số hiệu 38TC/TCCB
Ngày ban hành 25/08/1990
Ngày có hiệu lực 25/08/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38 TC/TCCB

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1990

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 281/HĐBT NGÀY 07/8/1990 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỆ THỐNG THU THUẾ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 281/HĐBT ngày 7 tháng 8 năm 1990 về việc thành lập hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.

Để việc thực hiện Nghị định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng được thống nhất trong cả nước, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

I. VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU BỘ MÁY CỦA CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP:

Tại Điều 2 của Nghị định số 281/HĐBT đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung cho toàn bộ hệ thống thu thuế Nhà nước.

Căn cứ vào vị trí của bộ máy thu thuế ở từng cấp, bộ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy thu thuế các cấp như sau:

A. Tổng cục thuế Nhà nước:

a. Về chức năng nhiệm vụ chung:

Tổng cục Thuế Nhà nước là bộ máy cao nhất trong hệ thống thu thuế Nhà nước có nhiệm vụ chủ yếu:

- Giúp Bộ Tài chính nghiên cứu soạn thảo các văn bản về thuế để Bộ Tài chính trình Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước ban hành hoặc Bộ Tài chính trực tiếp ban hành theo ủy quyền của Hội đồng Bộ trưởng.

- Chỉ đạo hệ thống Thuế Nhà nước quản lý công tác thu thuế và thu khác thống nhất trong cả nước theo đúng các quy định tại các văn bản về thuế và thu của Nhà nước.

b. Nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn của Tổng cục Thuế Nhà nước.

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính soạn thảo các Luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về thuế và thu khác để Bộ trưởng Bộ Tài chính trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tự ban hành theo ủy quyền của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Soan thảo trình Bộ Tài chính ban hành hoặc tự ban hành theo sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính các văn bản về nghiệp vụ quản lý thu thuế và thu khác. Hướng dẫn cơ quan thuế cấp dưới và các đối tượng nộp thuế thực hiện thống nhất.

3. Hướng dẫn việc lập kế hoạch và tổng hợp kế hoạch thu thuế và thu khác trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét và trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

- Giao chỉ tiêu thu thuế và thu khác cho cơ quan thuế cấp dưới. Hướng dẫn cơ quan thuế cấp giao mức thuế phải nộp cho các đối tượng nộp thuế.

4. Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc cơ quan thuế cấp dưới trong việc tổ chức công tác thu thuế và thu khác trên địa bàn bảo đảm thu nộp đầy đủ kịp thời một khoản thu vào ngân sách Nhà nước.

5. Tổ chức công tác thanh tra việc chấp hành các quy định về thuế và thu khác của Nhà nước trong bộ máy thuế và đối với các đối tượng nộp thuế. Xử lý các vi phạm chính sách, chế độ thuế trong nội bộ ngành, giải quyết các khiếu tố theo thẩm quyền được Luật thuế quy định.

6. Tổ chức công tác thông tin, báo cáo, thống kê, phân tích tình hình và kết quả thu thuế phục vụ kịp thời cho việc chỉ đạo, điều hành của các cơ quan cấp trên.

7. Quản lý về tổ chức, biên chế, cán bộ kinh phí chi tiêu và ấn chỉ của toàn hệ thống thu thuế theo đúng các quy định của Nhà nước và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tổ chức công tác tuyên truyền thi đua, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thuế cả nước.

8. Được quyền yêu cầu các Bộ, Ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh cùng cấp các tài liệu, số liệu các bản kế hoạch kinh tế - xã hội - tài chính có liên quan đến việc lập kế hoạch và quản lý thu thuế và thu khác.

9. Ra lệnh thu các khoản phải thu, ra lệnh phạt tiền nếu các đối tượng nộp thuế chưa nộp, nộp chậm hay nộp thiếu hoặc vi phạm các điều khoản của Luật, pháp lệnh và các văn bản khác về thuế. Lập biên bản kiến nghị với cơ quan chính quyền các cấp xử lý hanh chính đối với các đơn vị cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp Luật, chính sách chế độ thuế. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng thì lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.

c. Cơ cấu bộ máy Tổng cục Thuế gồm có các phòng nghiệp vụ va phòng chức năng sau đây để giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nhà nước chỉ đạo, điều hành bộ máy thu thuế trong cả nước.

1. Phòng Chính sách, chế độ (bao gồm cả công tác tuyên truyền)

2. Phòng Thanh tra và xử lý tố tụng về thuế.

3. Phòng Kế hoạch - Kế toán - Thống kê (Bao gồm cả nhiệm vụ quản lý ấn chỉ).

4. Phòng Thuế nông nghiệp.

[...]