Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 38-TC/KBNN năm 1991 hướng dẫn hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 38-TC/KBNN
Ngày ban hành 22/06/1991
Ngày có hiệu lực 01/07/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lý Tài Luận
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-TC/KBNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 38-TC/KBNN NGÀY 22-6-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN HẠCH TOÁN KẾ TOÁN THU CHI NGOẠI TỆ QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Tiếp theo Thông tư số 27-TC/KBNN ngày 7-5-1991 quy định việc quản lý ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước thực hiện ghi chép phản ảnh đầy đủ, kịp thời, chính xác số thu, chi và số dư trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Ngoại thương và Phòng ngoại hối. Đồng thời hạch toán chi tiết về quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quỹ ngoại tệ của Ngân sách địa phương, ngoại tệ tạm thu, tạm giữ chờ xử lý; quỹ dự trữ tài chính Nhà nước bằng ngoại tệ; các hoạt động thanh toán về ngoại tệ hoặc có liên quan đến ngoại tệ giữa Kho bạc Nhà nước với Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối).

- Thông qua công tác kế toán thực hiện việc kiểm tra kỷ luật thu nộp, chi trả các loại ngoại tệ; phát hiện ngăn ngừa mọi hành vi tham ô, lãng phí, sử dụng ngoại tệ sai chế độ Nhà nước quy định.

2. Hạch toán kế toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước sử dụng phương pháp ghi sổ kép. Việc hạch toán hàng ngày trên các tài khoản, sổ kế toán, được thực hiện theo từng nghiệp vụ phát sinh và phản ảnh theo từng loại nguyên tệ; cuối tháng tổng hợp quy đổi ra đồng đôla Mỹ (USD) trên cơ sở tỉ giá thống kê của Ngân hàng Ngoại thương Trung ương công bố và quy ra đồng Việt Nam theo tỉ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Việc hạch toán chi tiết từng nguyên tệ thống nhất sử dụng ký hiệu với Ngân hàng Ngoại thương Trung ương. Phải mở sổ hạch toán phân tích riêng tiền gốc và lãi theo từng loại ngoại tệ.

Việc hạch toán thu chi ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện ở Chi cục Kho bạc Nhà nước và Cục Kho bạc Nhà nước. Cục Kho bạc Nhà nước và Chi cục Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ và tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương (hoặc Phòng ngoại hối) nơi Kho bạc Nhà nước giao dịch về ngoại tệ.

3. Theo định kỳ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm Cục Kho bạc và các Chi cục kho bạc phải lập điện báo, báo cáo thu, chi ngoại tệ theo quy định tại điểm 3 mục II dưới đây:

II- CHỨNG TỪ, SỔ VÀ BÁO CÁO KẾ TOÁN

1. Chứng từ kế toán:

a) Chứng từ thu ngoại tệ:

Các đơn vị kho bạc căn cứ vào các chứng từ (chứng từ ghi sổ và chứng từ gốc) sau đây để theo dõi, đổi soát và thực hiện ghi thu ngoại tệ và Kho bạc Nhà nước.

- Lệnh thu ngoại tệ (dùng làm cơ sở đối chiếu với Ngân hàng Ngoại thương

- Lệnh mua ngoại tệ ( - )

- Hợp đồng đi vay ngoại tệ ( - )

- Quyết toán đoàn ra ( - )

- Uỷ nhiệm chi chuyển tiền ( - )

- Giấy báo có của ngân hàng ( - )

- Phiếu chuyển khoản

- Lệnh thu thuế và thu tiền phạt bằng ngoại tệ

- Phiếu nộp ngoại tệ.

b) Chứng từ về chi ngoại tệ:

Các đơn vị kho bạc và căn cứ vào chứng từ sau đây để theo dõi, đối soát thực hiện ghi chi ngoại qua Kho bạc Nhà nước.

- Lệnh chi ngoại tệ

- Lệnh bán ngoại tệ

- Giấy đề nghị chi ngoại tệ

[...]