UỶ
BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
33-VGNN/KHCS
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 1 năm 1981
|
THÔNG TƯ
CỦA UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC SỐ 33-VGNN/KHCS NGÀY 19-1-1981
HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 333-TTG NGÀY 29-12-1980 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ VỀ VIỆC NIÊM YẾT GIÁ
Để tăng cường quản lý thị trường,
đấu tranh chống đầu cơ nâng giá, Quyết định số 312-CP ngày 1-10-1980 của Hội đồng
Chính phủ và Chỉ thị số 333 TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chủ trương phải
thực hiện niêm yết giá. Sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ Nội thương và Bộ
Tài chính, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn việc thực hịen chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ như sau:
I- TÁC DỤNG CỦA
VIỆC NIÊM YẾT GIÁ
Việc niêm yết giá có tác dụng về
nhiều mặt. Qua niêm yết giá, người bán hàng cam kết bán theo giá đã được niêm yết,
người tiêu thụ có cơ sở để kiểm tra việc chấp hành giá của người bán hàng, Nhà
nước có thêm căn cứ để kiểm tra hoạt động kinh doanh của những cơ sở tập thể và
cá thể xác định doanh thu, lợi tức và các khoản thuế mà họ phải nộp. Trên cơ sở
đó mà góp phần đấu tranh chống đầu cơ nâng giá, làm rối loạn thị trường, ổn định
đời sống của nhân dân.
II- NỘI DUNG,
PHƯƠNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN NIÊM YẾT GIÁ
a) Những cơ sở kinh doanh phải
niêm yết giá.
Điều 1 của chỉ thị số 333-TTg đã
nêu rõ: "Tất cả các cơ sở quốc doanh, các cơ sở kinh doanh công thương
nghiệp tập thể và cá thể đều phải niêm yết giá bán khi đưa sản phẩm bán ra thị
trường". Theo tinh thần của chỉ thị thì tất cả các cơ sở kinh doanh đều phải
niêm yết giá. Tuy nhiên, trong bước đầu cần tập trung tổ chức thực hiện tốt đối
với các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã
tiêu thụ, các xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất có tổ chức các quầy giới thiệu và
bán hàng tự kinh doanh (trong trường hợp được nhà nước cho phép), các tư nhân
kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ có đăng ký kinh doanh, có cửa hiệu, quầy
hàng, sạp hàng, địa điểm bán hàng và phục vụ ổn định tại các thành phố, thị xã,
thị trấn.
b) Về những loại hàng hóa và dịch
vụ phải niêm yết giá.
Chỉ thị số 333 TTg quy định:
- Đối với các cơ sở công thương
nghiệp (và dịch vụ) quốc doanh, tập thể và các cơ sở đại lý bán lẻ hàng cho
thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã thì phải niêm yết giá tất
cả các loại hàng hóa bán ra, giá công các loại dịch vụ.
- Đối với các cơ sở công thương
nghiệp (và dịch vụ) tư nhân thì niêm yết giá các loại hàng hóa và dịch vụ theo
một danh mục do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quy định. Đó là những
loại hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho sản xuất và đời sống mà giá cả cần được
Nhà nước xét duyệt trước, được mua bán nhiều trên thị trường, mặt hàng tương đối
ổn định.
- Về những loại hàng và dịch vụ
cần phải niêm yết giá, Uỷ ban vật giá Nhà nước nêu ra một danh mục có tính chất
hướng dẫn trong phụ lục kèm theo thông tư này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố đặc khu căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương trong từng thời gian mà
vận dụng cho phù hợp theo tinh thần nhằm đúng những loại hàng cần thiết và bảo
đảm việc niêm yết giá có hiệu lực, không tham đề ra diện mặt hàng quá rộng
nhưng không có hiệu lực.
c) Về giá niêm yết
- Đối với các cơ sở quốc doanh:
Giá niêm yết là giá chỉ đạo đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định,
đối với những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý giá và giá kinh doanh thương
nghiệp đối với các mặt hàng khác.
- Đối với các hợp tác xã mua bán
và hợp tác xã tiêu thụ: Nếu là hàng đại lý bán hoặc nhận uỷ thác mua cho thương
nghiệp quốc doanh thì phải niêm yết giá chỉ đạo của Nhà nước như thương nghiệp
quốc doanh (thương nghiệp quốc doanh phải thông báo bằng văn bản cho hợp tác xã
mua bán mức giá phải niêm yết).
Nếu là hàng của hợp tác xã mua
bán và hợp tác xã tiêu thụ tự kinh doanh thì giá niêm yết là giá do ban quản lý
hợp tác xã quy định theo sự hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân hoặc Sở, Ty thương
nghiệp tỉnh, thành phố, quận, huyện.
- Đối với các cơ sở công thương
nghiệp (và dịch vụ) tư nhân:
Nếu là hàng làm đại lý bán hoặc
nhận uỷ thác mua cho thương nghiệp quốc doanh thì phải niêm yết giá như thương
nghiệp quốc doanh và có ghi rõ là hàng đại lý bán hoặc uỷ thác mua.
Nếu là hàng của bản thân kinh
doanh thì giá niêm yết là giá đã đăng ký với cơ quan thuế vụ cấp huyện, quận
hay ở cơ sở.
Khi xin đăng ký giá, các cơ sở
kinh doanh tư nhân phải xuất trình các tài liệu sau đây:
- Tên hàng, nhãn hiệu, quy cách,
phẩm chất, giá thành sản xuất kinh doanh;
- Mức giá đề nghị được phép bán.
Ban tài chính - giá cả huyện, quận
cũng như các cơ quan thuế vụ được uỷ nhiệm phải xem xét những giá do các cơ sở
kinh doanh tư nhân xin đăng ký, loại trừ những hiện tượng làm sai chính sách, đầu
cơ nâng giá.
Đối với giá những mặt hàng và dịch
vụ quan trọng, thiết yếu cho sản xuất và đời sống thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận
chỉ đạo ban tài chính - giá cả xét duyệt và cho đăng ký sau khi xét duyệt theo
sự hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu.
Sau khi niêm yết giá, người bán
hàng không được bán cao hơn mức giá đã niêm yết.
d) Cách niêm yết giá.
Giá đã đăng ký phải được niêm yết
rõ ràng bằng các cách sau đây:
- Ghi thành bảng giá hàng hoá và
dịch vụ (đề rõ tên hàng, quy cách, phẩm chất, đơn vị đo lường và giá bán một
đơn vị; tên dịch vụ, chất lượng phục vụ và tiền công) treo ở cửa hàng nơi dễ thấy
nhất, bảng giá này phải được ban tài chính - giá cả huyện, quận đóng dấu và ký
tên.
- Ghi trên hàng hoá; nếu không
có điều kiện ghi trên hàng hoá thì phải có thẻ giá của từng mặt hàng ghi rõ tên
hàng, quy cách, phẩm chất và giá bán một đơn vị khớp với giá ghi trên bảng giá.
Thẻ này phải để liền với mặt hàng bày bán.
e) Việc thay đổi giá niêm yết.
Khi muốn thay đổi mức giá niêm yết
thì các cơ sở kinh doanh cũng phải làm các thủ tục xin đăng ký giá như quy định
ở điểm c trên đây.
III. NHỮNG BIỆN
PHÁP ĐỂ BẢO ĐẢM HIỆU LỰC CỦA VIỆC NIÊM YẾT GIÁ
1. Về mặt kinh tế:
- Thương nghiệp quốc doanh và hợp
tác xã mua bán phải mở rộng kinh doanh để phát huy tác dụng đấu tranh lãnh đạo
giá thị trường.
- Mức giá niêm yết phải bảo đảm
cho các cơ sở kinh doanh tư nhân giá vốn hợp lý, có lợi nhuận đúng chính sách.
- Giá niêm yết được dùng làm căn
cứ để kiểm tra xác định doanh thu và lợi tức của các cơ sở kinh doanh, tính các
khoản thuế mà cơ sở kinh doanh phải nộp (thuế doanh nghiệp, thuế hàng hoá, thuế
lợi tức...).
2. Về mặt hành chính:
Ban Tài chính - giá cả huyện, quận
phải triển khai nhanh gọn việc tổ chức đăng ký hoặc xét duyệt giá niêm yết.
Quy định và tổ chức thực hiện
nghiêm túc, thành nền nếp thường xuyên và từng bước mở rộng chế độ niêm yết
giá.
Các cơ quan quản lý thị trường
tài chính - giá cả, thuế cần tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và mua bán
đúng giá niêm yết, kịp thời xử lý những vi phạm.
Các hành vi sau đây bị coi là vi
phạm quy định về niêm yết giá:
- Không đăng ký giá, không niêm
yết giá theo quy định của Nhà nước;
- Có đăng ký giá nhưng không
niêm yết giá;
- Niêm yết giá cao hơn giá đã
đăng ký;
- Bán hàng hoặc nhận tiền phục vụ
cao hơn giá đã niêm yết;
- Có hành động gian dối khác để
trốn tránh việc kiểm tra niêm yết giá.
Các cơ sở kinh doanh tập thể và
cá thể vi phạm các quy định về niêm yết giá thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ sẽ bị xử
phạt theo một hoặc nhiều hình thức như Điều 10 của điều lệ đăng ký kinh doanh
công thương nghiệp và phục vụ áp dụng cho khu vực kinh tế tập thể và cá thể
(Ban hành kèm theo Nghị định số 119-CP ngày 9-4-1980 của Hội đồng Chính phủ) đã
quy định:
1. Cảnh cáo trong nội bộ ngành,
nghề, trong xã, phường;
2. Phạt tiền từ 10 đồng đến 1000
đồng;
3. Đình chỉ việc kinh doanh trái
phép;
4. Thu hồi có thời hạn hay thu hồi
hẳn giấy phép kinh doanh;
5. Truy tố trước toà án, trong
trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước.
Quyền xử lý các vụ vi phạm về
niêm yết giá theo các hình thức nêu trên thuộc về các cơ quan đã được quy định
rõ trong Điều 12 của điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp... nói trên.
Còn đối với các cơ sở quốc
doanh, cán bộ, nhân viên vi phạm các quy định về niêm yết giá thì bị coi là vi
phạm chế độ trách nhiệm và chế độ kỷ luật, và bị xử phạt theo Điều 25 của quy định
của Hội đồng Chính phủ về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của
công và chế độ phục vụ nhân dân (ban hành kèm theo Nghị định số 217-CP ngày
8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ).
Các tổ chức thương nghiệp và quản
lý thị trường, công an, tài chính, thuế vụ cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm
tra, kiểm soát để giáo dục, động viên việc thực hiện niêm yết và kịp thời xử lý
hoặc để nghị xử lý những trường hợp vi phạm.
Cần sắp xếp các chợ và nơi bán
hàng, bố trí những người buôn bán cùng một loại hàng ngồi ở cùng một khu vực để
tiện việc theo dõi, kiểm tra chấp hành giá, đồng thời cũng thông qua ngành hàng
để lãnh đạo các hộ kinh doanh làm tốt việc niêm yết giá và mua bán đúng giá
niêm yết.
Động viên quần chúng tiêu thụ
đòi thực hiện đúng giá niêm yết. Có những hình thức giới thiệu để quần chúng nắm
được mức giá hướng dẫn. Phải tranh thủ cho được sự đồng tình ủng hộ và tích cực
tham gia thực hiện của đông đảo quần chúng.
Niêm yết giá là một bộ phận của
cuộc đấu tranh chống đầu cơ nâng giá. Cho nên Uỷ ban nhân dân các cấp cần chỉ đạo
chặt chẽ việc tổ chức thực hiện. Trong việc chỉ đạo cụ thể, cần nắm vững yêu cầu
là mở rộng dần từng bước để bảo đảm việc niêm yết giá thực sự có hiệu lực.
Uỷ ban nhân dân các cấp cần huy
động lực lượng của tất cả các ngành thương nghiệp, công an, thuế vụ, tài chính
- giá cả, quản lý thị trường, thanh tra nhân dân ở địa phương vào công tác này
tạo thành một mạng lưới rộng khắp để dôn đốc và kiểm tra việc thực hiện niêm yết
giá, trước mắt là trong dịp Tết nguyên đán này.
Vì là một việc mới, cho nên đề
nghị Uỷ ban nhân dân các cấp vừa làm vừa rút kinh nghiệm để xây dựng công tác
này ngày càng tốt hơn.
BẢN HƯỚNG DẪN
VỀ DANH MỤC NHỮNG LOẠI HÀNG VÀ DỊCH VỤ DO THƯƠNG NGHIỆP
TƯ NHÂN KINH DOANH CẦN PHẢI NIÊM YẾT GIÁ
(Kèm theo Thông tư số 33-VGNN/KHCS ngày 19-1-1981 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước)
1. Tất cả các hàng hoá và dịch vụ
mà các cơ sở tư nhân làm đại lý bán hoặc nhận uỷ thác mua cho mậu dịch quốc
doanh theo đúng giá chỉ đạo của Nhà nước do thương nghiệp quốc doanh hướng dẫn.
2. Những hàng hoá và dịch vụ mà
tư nhân được phép kinh doanh, hàng sản xuất từ phế liệu, phế phẩm, từ nguyên liệu
không do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước không cung cấp, cơ sở tư nhân tự
khai thác:
Hàng lương thực: Các loại lương
thực chính ở địa phương.
Hàng thực phẩm:
- Thịt lợn và các sản phẩm chế
biến từ thịt lợn;
- Các loại mỡ và dầu ăn;
- Trừng;
- Các loại cá biển, cá đồng, tôm
tươi và khô chủ yếu;
- Các loại đậu, lạc, vừng;
- Một số loại rau, quả chủ yếu;
- Muối ăn;
- Nước mấm, nước chấm, mắm tôm;
- Đường, mật sản suất thủ công
các loại;
- Bánh, mứt, kẹo.
Hàng tiêu dùng không phải lương
thực, thực phẩm:
- Các hàng dệt được phép sản xuất;
- Giấy và những đồ dùng học sinh
thông dụng;
- Các loại thuốc bệnh được phép
sản xuất;
- Các loại đồ dùng gia đình
thông dụng: chiếu, đồ gỗ, đồ sành sứ, thuỷ tinh, đồ nhôm, đồ tôn, sắt tây, đồ
nhựa, đồ da, cao su, đồ đan lát...;
- Các loại đồ dùng hàng ngày
thông dụng: xà phòng, giầy dép, mũ nón;
- Xe đạp và phụ tùng xe đạp, xe
máy;
- Các loại vật liệu xây dựng
thông dụng: gạch, ngói, vôi.
- Những tư liệu sản xuất chủ yếu
cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Những dịch vụ chủ yếu:
- Giá các mặt hàng ăn và các loại
giải khát thông dụng;
- Công may vá quần áo;
- Công hớt tóc uốn tóc;
- Công sửa chữa xe đạp, xe máy;
- Cước vận tải hành khách và
hàng hoá (theo từng loại phương tiện và tên từng tuyến đường);
- Tiền công bốc xếp;
- Tiền thuê nơi nghỉ trọ.
|
Nguyễn
Thượng Hoà
(Đã
ký)
|