Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 33-TT-1964 về việc khen thưởng thành tích thi đua trong ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 33-TT
Ngày ban hành 22/06/1964
Ngày có hiệu lực 07/07/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Khánh Toàn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH THI ĐUA TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các sở, ty giáo dục
-Các trường trực thuộc bộ
-Các ủy  ban hành chính tỉnh, thành, khu

 

Từ sau đại hội tổng kết hai năm thi đua “hai tốt” đến nay, phong trào thi đua yêu nước trong ngành giáo dục đã được đẩy mạnh và dần dần nâng cao về mọi mặt theo hướng thi đua tập thể phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ những con người mới, những tập thể mới, những nhà trường theo kiểu Bắc Lý ngày càng đông đảo với những thành tích ngày càng phong phú và sáng tạo. Do đó công tác khen thưởng đã phát triển và tích cực góp phần vào việc đánh giá, biểu dương thành tích thi đua, đồng thời khuyến khích mọi người ra sức thi đua công tác, thi đua “dạy thật tốt, học thật tốt” để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, công tác đã đề ra.

Nhưng kiểm điểm lại, công tác khen thưởng vừa qua còn một số thiếu sót:

- Việc khen thưởng chưa phản ánh đúng thành tích thi đua, chưa cân xứng giữa các tỉnh, các miền, các ngành, các cấp học. Các khu, tỉnh miền núi ít đề nghị khen thưởng. Có những địa phương lớn hoặc có nhiều thành tích, nhưng đề nghị khen ít; có nơi, khi đề nghị khen, ít chú ý toàn diện chỉ đề nghị khen thưởng về từng mặt (hoặc bổ túc văn hoá, hoặc giáo dục phổ thông, hoặc mẫu giáo vỡ lòng).

- Việc xét duyệt khen thưởng không kịp thời, thời gian được khen quá chậm so với thời gian tổng kết thành tích; vì vậy tác dụng động viên bị giảm sút nhiều.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do chưa có một quan niệm đúng đắn về công tác khen thưởng thi đua; ở một số nơi, các cấp lãnh đạo còn coi nhẹ, ít quan tâm; cán bộ chuyên trách lại thiếu hoặc yếu nên không thấy rõ được tác dụng quan trọng của công tác khen thưởng, không nắm được phương hướng, nội dung và những thủ tục cần thiết để xét khen được tốt.

Căn cứ vào những chủ trương, chính sách của Phủ Thủ tướng về công tác khen thưởng thi đua (Thông tư số 06-TTg ngày 18-01-1963 và số 11-TTg ngày 30-01-1964), Bộ đề ra một số vấn đề chính về công tác khen thưởng thi đua trong ngành giáo dục như sau:

I. NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG CỦA CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Nhiệm vụ của công tác khen thưởng thi đua là động viên lực lượng của toàn ngành cùng nhân dân ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhất mục đích, nhiệm vụ và phương châm giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng đào tạo cán bộ; tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách, những cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ, tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam.

Phương hướng chủ yếu của công tác khen thưởng phải nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các phương hướng nhiệm vụ thi đua của ngành giáo dục; hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ của từng năm học, nhằm bồi dưỡng và phát huy những điển hình tốt, những nhân tố mới của phong trào.

Việc khen thưởng cần chú trọng vào những thành tích trực tiếp giảng dạy và giáo dục con người, nhưng không thể coi nhẹ những thành tích nghiên cứu, chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.

Tình hình khen thưởng phải phản ánh được thành tích thi đua, phải lấy thực tế thành tích thi đua làm cơ sở cho việc đánh giá xét khen, nhưng cũng cần giữ một tương quan tương đối thoả đáng giữa các ngành học, cấp học, các địa phương; phải quan tâm đúng mức đến những công tác trọng tâm, đến những công tác có nhiều hoàn cảnh khó khăn như bổ túc văn hoá, mẫu giáo, vỡ lòng, đến những miền hẻo lánh và điều kiện làm việc, sinh hoạt gian khổ (như miền núi, đặc biệt là vùng cao, hải đảo…); phải chú ý khuyến khích đối với phụ nữ, các dân tộc ít người.

II. PHƯƠNG CHÂM KHEN THƯỞNG

Phương châm khen thưởng là chính xác, kịp thời, khen thưởng về tinh thần kết hợp với việc khuyến khích bằng vật chất. Việc khen thưởng phải công bằng, đúng chính sách mới động viên thi đua đúng hướng và bảo đảm đoàn kết. Khi xét khen phải làm kịp thời để phát huy được nhanh tác dụng tốt của những thành tích.

III. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Công tác khen thưởng biểu dương kết quả lao động sáng tạo của tập thể, đồng thời cũng khuyến khích tác dụng tích cực của mỗi người trong tập thể. Đối tượng khen thưởng trước hết phải là những tập thể, những người đã đạt được những danh hiệu thi đua như: trường lá cờ đầu, tổ lao động xã hội chủ nghĩa, trường tiên tiến, tổ tiên tiến và thầy giáo giỏi, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, sinh viên tiên tiến.

Đối tượng khen thưởng tập thể, ngoài các trường tiên tiến, các lá cờ đầu, chủ yếu là các tổ giáo viên, tổ công tác, vì tổ là đơn vị cơ sở của phong trào ở khắp mọi nơi. Tình hình thi đua của tổ mạnh hay yếu, có tác dụng rất lớn đến phong trào thi đua của trường học, của cơ quan. Các tập thể, cá nhân thuộc các ngành khác thuộc các đoàn thể và nhân dân, nếu có thành tích về công tác giáo dục đều là đối tượng của công tác khen thưởng.

IV. TIÊU CHUẨN VÀ MỨC ĐỘ KHEN THƯỞNG

A. Tiêu chuẩn khen thưởng

Khi xét khen thưởng, cần dựa chủ yếu vào tình hình thực hiện các tiêu chuẩn đề ra cho các danh hiệu thi đua: đó là nội dung chính của các tiêu chuẩn khen thưởng. Cần phân tích đánh giá, căn cứ vào mấy điểm sau:

1.  Trước hết là tình hình phấn đấu thực hiện hai yêu cầu cơ bản trong các tiêu chuẩn thi đua:

- Nâng cao hiệu suất và chất lượng công tác, chất lượng giáo dục và giảng dạy, thực hiện tốt nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra.

- Xây dựng con người mới, tập thể lao động mới.

2. Phạm vi, tác dụng của thành tích, sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong công tác, trong phong trào thi đua.

3. Thời gian liên tục được lựa chọn các danh hiệu thi đua.

[...]