Thông tư 32-BT năm 1992 về những việc cần làm để thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ do Văn phòng chính phủ ban hành

Số hiệu 32-BT
Ngày ban hành 01/12/1992
Ngày có hiệu lực 16/12/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lê Xuân Trinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-BT

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1992

 

THÔNG TƯ

CUẢ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 32 -BT NGÀY 1-12-1992 VỀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ THỰC HIỆN QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ 

Căn cứ biên bản phiên họp thứ nhất của Chính phủ ngày 16, 17 tháng 10 năm 1992, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định ban hành bản quy chế làm việc của Chính phủ. Thông tư này nêu lên những việc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm để thực hiện bản quy chế:

1. Tổ chức quán triệt trong cán bộ lãnh đạo và cán bộ nhân viên thuộc quyền Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nội dung của bản quy chế làm việc của Chính phủ. Trên cơ sở đó, liên hệ với thực tế làm việc hiện nay của Bộ, ngành, địa phương chỉ ra những việc cụ thể, thiết thực mà Bộ, ngành, địa phương cần làm để đổi mới, chấn chỉnh cách làm việc theo quy chế Chính phủ đã ban hành. Việc đổi mới, chấn chỉnh cách làm việc theo quy chế mới được tiến hành trong tất cả các khâu công tác; nhưng ở các Bộ, ngành ở Trung ương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung đổi mới, chấn chỉnh gấp một số khâu hiện đang rất yếu sau đây:

- Chấn chỉnh chế độ giải quyết công việc của Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân địa phương, khắc phục tình trạng giải quyết không đúng thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy công việc thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương lên Thủ tướng Chính phủ, đùn đẩy công việc giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các bộ phận trong cơ quan Bộ, ngành, địa phương, vừa làm chậm trễ, vừa tạo sơ hở để phát sinh tiêu cực trong xử lý công việc; loại bỏ những thủ tục và cách làm việc tạo ra sự ngăn cách giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với các Bộ khác, Uỷ ban Nhân dân, và các đơn vị cơ sở hoặc lãnh đạo Bộ, Uỷ ban Nhân dân sa vào các việc sự vụ mà xem nhẹ các công việc quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô.

- Chấn chỉnh công việc chuẩn bị đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng hoặc các đề nghị giải quyết công việc cụ thể phát sinh theo đúng trình tự, thủ tục mà bản quy chế đã quy định.

- Chấn chỉnh công tác thông tin, báo cáo, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quyết định của Chính phủ; chế độ hội họp, tiếp khách, phục vụ tốt công tác quản lý điều hành công việc và tránh gây lãng phí thì giờ, tiền của.

2. Cùng với việc giải quyết gấp một số khâu công việc như đã nêu ở điểm 1 trên đây, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thông qua việc thực hiện chủ trưởng của Chính phủ về đổi mới, kiện toàn tổ chức, về chống tham nhũng, buôn lậu để đề ra những biện pháp nhằm đưa việc thực hiện quy chế làm việc của Bộ, ngành, địa phương vào nền nếp, quy củ; chú trọng:

- Trên cơ sở xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức hoạt động của Bộ, ngành, địa phương, cần xác định mới hoặc bổ sung Nghị định hoặc Điều lệ để quy chế hoá mọi hoạt động của từng tổ chức và từng cá nhân trong cơ quan Bộ, Uỷ ban nhân dân.

- Thay đổi, bổ sung nhằm tăng cường cho bộ máy giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (Vụ, Văn phòng, Sở) số cán bộ có trình độ nghiên cứu, tổng hợp nắm được pháp luật và thành thạo trong việc soạn thảo các văn bản quản lý hành chính Nhà nước; có kế hoạch bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ thích đáng để những cán bộ này yên tâm làm việc.

Trên đây, là một số việc cần làm để thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ. Trong khi thực hiện, nếu gặp khó khăn hoặc phát sinh vấn đề cần giải quyết, các cơ quan báo cáo về Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng xem xét giải quyết.

 

Lê Xuân Trinh

(Đã ký)