THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY CHẾ XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC CƠ SỞ
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng
10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng
9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông
tư này Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.
Điều 2. Thông tư này có hiệu
lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
Thông tư này thay thế Quyết định số
11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.
Việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở theo
Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở được thực
hiện đến hết năm học 2023-2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ
trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo
dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo; người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình
giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên
cấp trung học cơ sở và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Bộ trưởng;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|
QUY CHẾ
XÉT
CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về xét công nhận tốt nghiệp
trung học cơ sở (sau đây gọi tắt là xét công nhận tốt nghiệp) bao gồm: điều kiện
công nhận tốt nghiệp và hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp; tổ chức xét công nhận
tốt nghiệp; trách nhiệm của cơ quan quản lí và cơ sở giáo dục.
2. Quy chế này áp dụng đối với trường trung học cơ
sở, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học cơ sở; trung
tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường
xuyên và các cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp
trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở
(sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu và
căn cứ xét công nhận tốt nghiệp
1. Việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận
trình độ của học sinh và học viên (sau đây gọi chung là học sinh) học hết Chương
trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường
xuyên cấp trung học cơ sở.
2. Việc xét công nhận tốt nghiệp phải bảo đảm tính
chính xác, công bằng, trung thực, khách quan.
3. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả
rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.
Điều 3. Số lần xét công nhận
tốt nghiệp trong một năm
1. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương
trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp
9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 (hai) lần. Lần xét công nhận
tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công
nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
2. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương
trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trong năm có học sinh học hết
lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 01 (một) lần ngay sau khi kết
thúc năm học.
Chương II
ĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬN TỐT
NGHIỆP VÀ HỒ SƠ DỰ XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
Điều 4. Điều kiện công nhận tốt
nghiệp
Học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều
kiện sau:
1. Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh
học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở; từ 15 tuổi trở lên
(tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp
trung học cơ sở.
Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt
lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi
theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp
trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
3. Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều
6 của Quy chế này.
Điều 5. Chính sách ưu tiên
Học sinh được hưởng các chính sách ưu tiên theo quy
định hiện hành.
Điều 6. Hồ sơ dự xét công nhận
tốt nghiệp
1. Đối với học sinh học hết lớp 9 tại cơ sở giáo dục
trong năm tổ chức xét công nhận tốt nghiệp, hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp
là học bạ học sinh.
2. Đối với học sinh không thuộc đối tượng quy định
tại khoản 1 Điều này, hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp gồm:
a) Đơn đăng kí dự xét công nhận tốt nghiệp;
b) Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc căn cước công
dân hoặc thẻ căn cước;
c) Bản chính học bạ học sinh hoặc bản in học bạ điện
tử có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi học sinh đã học hết lớp 9. Trường hợp học
sinh bị mất bản chính học bạ hoặc không có bản in học bạ điện tử thì phải có bản
xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học tập lớp 9 của cơ sở giáo dục nơi học
sinh đã học hết lớp 9.
Chương III
TỔ CHỨC XÉT CÔNG NHẬN TỐT
NGHIỆP
Điều 7. Hội đồng xét công nhận
tốt nghiệp
1. Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp (sau đây gọi tắt
là Hội đồng) do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập theo đề
nghị của cơ sở giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục có học sinh học hết lớp 9 trong năm
xét công nhận tốt nghiệp thành lập 01 (một) Hội đồng.
2. Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng
a) Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch,
Thư kí và các Ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc thủ
trưởng (sau đây gọi chung là người đứng đầu) của cơ sở giáo dục hoặc cấp phó của
người đứng đầu cơ sở giáo dục; Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng
đầu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục; Ủy viên Hội đồng là giáo
viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp 9, đại diện Hội đồng trường, Bí thư
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền
phong Hồ Chí Minh của cơ sở giáo dục; Thư kí Hội đồng được chọn trong số các Ủy
viên Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 07 (bảy) người.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng:
- Kiểm tra hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp theo
quy định tại Điều 6 của Quy chế này;
- Xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh theo điều
kiện công nhận tốt nghiệp quy định tại Điều 4 của Quy chế này;
- Lập danh sách học sinh đủ điều kiện công nhận tốt
nghiệp gửi cơ sở giáo dục trình Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;
- Được sử dụng con dấu của cơ sở giáo dục trong các
văn bản của Hội đồng.
Điều 8. Quy trình xét công nhận
tốt nghiệp
1. Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch xét công nhận tốt
nghiệp; thông báo công khai kế hoạch xét công nhận tốt nghiệp, trong đó hướng dẫn
cụ thể thời gian, hình thức gửi hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp cho đối tượng
học sinh được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy chế này
trước ngày tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 30 ngày; tiếp nhận và chuẩn
bị hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp theo quy định tại Điều 6 của
Quy chế này để bàn giao cho Hội đồng.
2. Học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy chế này gửi hồ sơ dự xét công nhận tốt
nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy chế này đến
cơ sở giáo dục có tổ chức xét công nhận tốt nghiệp theo hướng dẫn của cơ sở
giáo dục.
3. Căn cứ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp, Hội đồng
tổ chức xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh; lập biên bản xét công nhận tốt
nghiệp và danh sách học sinh được đề nghị công nhận tốt nghiệp. Biên bản đề nghị
công nhận tốt nghiệp phải có đầy đủ họ tên, chữ kí của các thành viên Hội đồng.
4. Hội đồng gửi hồ sơ đề nghị công nhận tốt nghiệp
cho cơ sở giáo dục trình Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị công nhận tốt nghiệp;
b) Biên bản và danh sách học sinh được đề nghị công
nhận tốt nghiệp.
5. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định
công nhận tốt nghiệp cho học sinh theo đề nghị của cơ sở giáo dục.
Điều 9. Cấp bằng tốt nghiệp
1. Học sinh được công nhận tốt nghiệp thì được cấp
bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
2. Việc quản lí, cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy
bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở được thực hiện theo quy định về quản lí văn
bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN
QUẢN LÍ VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh
1. Căn cứ quy định tại Quy chế này chỉ đạo việc tổ
chức xét công nhận tốt nghiệp trên địa bàn.
2. Bảo đảm nguồn kinh phí và các điều kiện để tổ chức
xét công nhận tốt nghiệp.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở
Giáo dục và Đào tạo
1. Quyết định số lần xét công nhận tốt nghiệp và thời
gian xét công nhận tốt nghiệp trên địa bàn theo quy định tại Điều
3 của Quy chế này.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các Phòng Giáo dục
và Đào tạo, cơ sở giáo dục tổ chức xét công nhận tốt nghiệp, cấp và quản lí bằng
tốt nghiệp trung học cơ sở.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm nguồn
kinh phí và các điều kiện để tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Căn cứ quy định tại Quy chế này chỉ đạo Phòng
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.
2. Bảo đảm nguồn kinh phí và các điều kiện để tổ chức
xét công nhận tốt nghiệp.
Điều 13. Trách nhiệm của Phòng
Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản
lí tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.
2. Ban hành quyết định thành lập Hội đồng xét công
nhận tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lí.
3. Ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp cho học
sinh và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho học sinh đã được công nhận tốt
nghiệp.
4. Lưu trữ hồ sơ đề nghị công nhận tốt nghiệp, danh
sách học sinh được công nhận tốt nghiệp và hồ sơ quản lí bằng tốt nghiệp trung
học cơ sở theo quy định.
5. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm nguồn
kinh phí và các điều kiện để tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.
6. Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả xét công
nhận tốt nghiệp và danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở
giáo dục
1. Tổ chức việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy định
tại Quy chế này.
2. Trình Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành
quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của cơ sở giáo dục.
3. Công bố danh sách học sinh dự xét công nhận tốt
nghiệp và chuẩn bị hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp bàn giao cho Hội đồng.
4. Chuẩn bị điều kiện làm việc của Hội đồng.
5. Xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học tập của
học sinh trong năm học lớp 9 cho học sinh đã theo học hết lớp 9 tại cơ sở giáo
dục bị mất bản chính học bạ hoặc bản in học bạ điện tử.
6. Tổ chức cho học sinh học lại; rèn luyện trong kì
nghỉ hè; kiểm tra, đánh giá lại các môn học, hoạt động giáo dục trong kì nghỉ
hè theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xác nhận hoàn thành Chương trình
giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên
cấp trung học cơ sở (nếu đủ điều kiện) cho học sinh thuộc các đối tượng sau:
a) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương
trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường
xuyên cấp trung học cơ sở trong năm học lớp 9 do kết quả học tập cả năm học lớp
9 xếp loại Chưa đạt (hoặc học lực cả năm xếp loại yếu, kém).
b) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương
trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường
xuyên cấp trung học cơ sở trong năm học lớp 9 do kết quả rèn luyện cả năm học lớp
9 xếp loại Chưa đạt (hoặc hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu).
c) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương
trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường
xuyên cấp trung học cơ sở do nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9 xin học lại.
d) Học sinh quá 21 tuổi đã học hết Chương trình
giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp xin
học lại lớp 9 theo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở với
cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
7. Trình Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định
công nhận tốt nghiệp và công bố danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp
sau khi có quyết định công nhận của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; cấp giấy
chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; tổ chức phát bằng tốt nghiệp cho học sinh được
công nhận tốt nghiệp.
8. Lưu trữ hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp theo quy
định của pháp luật.
Điều 15. Khen thưởng, xử lí vi
phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc xét công
nhận tốt nghiệp được đề nghị khen thưởng theo quy định của Nhà nước về thi đua,
khen thưởng.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của Quy chế
này bị xử lí theo quy định của pháp luật.
3. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện
theo quy định của pháp luật./.