Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 30/2023/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 13/02/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Hoàng Minh Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2023/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 06 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 06 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến bao gồm: nguyên tắc, nội dung, yêu cầu tối thiểu về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện các chương trình liên kết đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sau đây gọi chung là các cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đào tạo trực tuyến là hoạt động đào tạo (gồm hoạt động dạy, hướng dẫn, học tập, đánh giá) được tổ chức trên môi trường số thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.

2. Đào tạo trực tuyến đồng bộ là hoạt động đào tạo trực tuyến, ở đó người dạy và người học cùng tham gia các hoạt động đào tạo tại cùng một thời điểm (thời gian thực) trên cùng một không gian học tập.

3. Đào tạo trực tuyến không đồng bộ là hoạt động đào tạo trực tuyến, ở đó người học có thể chủ động tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến trên cơ sở kế hoạch dạy học của người dạy.

4. Hệ thống đào tạo trực tuyến là hệ thống gồm các phần mềm, hệ thống học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý và tổ chức đào tạo thông qua môi trường Internet.

5. Học liệu đào tạo trực tuyến là tập hợp các tài liệu và tài nguyên được thiết kế để hỗ trợ quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường trực tuyến như: Giáo trình, bài giảng trực tuyến, hình ảnh và biểu đồ, tài liệu điện tử, tài liệu tham khảo, phần mềm và ứng dụng học tập, tài liệu hướng dẫn; phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, bài kiểm tra đánh giá.

Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu chung về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến

1. Phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trong đào tạo trực tuyến.

2. Đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện; luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để triển khai đào tạo trực tuyến.

3. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến, lấy lợi ích của người học làm trung tâm.

4. Cơ sở đào tạo có thể tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn thông tin cá nhân, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

[...]