Thông tư 29-TT/BĐ năm 1957 về việc thành lập Ban vận động diệt dốt ở các cấp do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 29-TT/BĐ
Ngày ban hành 05/08/1957
Ngày có hiệu lực 20/08/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-TT/BĐ

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN VẬN ĐỘNG DIỆT DỐT Ở CÁC CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các khu,
- Ủy ban Hành chính các thành phố Hà Nội, Hài Phòng
- Ủy ban Hành chính các tỉnh trực thuộc

 

Từ ngày thành lập Bình dân học vụ đến nay, nhất là trong năm 1956, nhiều địa phương đã thành lập các tổ chức quần chúng giúp đỡ Bình dân học vụ như: ban Bảo trợ Bình dân học vụ, ban Khuyến học, ban Thanh toán nạn mù chữ, ban Vận động Bình dân học vụ, v.v... Các ban này đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở các địa phương. Nhưng vì nhiệm vụ và tổ chức cũng như lề lối làm việc chưa được quy định rõ ràng, chính quyền chưa chú ý lãnh đạo, tác dụng nồng cốt của cán bộ Bình dân học vụ còn kém cho nên kết quả hoạt động của các tổ chức ấy cũng bị hạn chế nhiều.

Năm 1957, năm thứ hai của kế hoạch ba năm thanh toán nạn mù chữ, nhiệm vụ của Bình dân học vụ càng nặng nề hơn, việc vận động đông đảo nhân dân tham gia phong trào Bình dân học vụ cần được tăng cường gấp bội, cho nên trong chỉ thị số 114-TTg ngày 27 tháng 03 năm 1957 Phủ Thủ tướng có quy định: "Tùy địa phương có thể tổ chức các ban Vận động diệt dốt có các ngành và các đoàn thể liên quan, các phần tử tri thức ở nông thôn và thành thị và những người có nhiệt tình với công việc Bình dân học vụ tham gia" để giúp Chính phủ cùng tiến hành công tác xóa nạn mù chữ. Thi hành chỉ thị đó, Bộ thấy việc thành lập và củng cố các ban Vận động diệt dốt ở các địa phương hiện nay đã trở nên một vấn đề quan trọng và cần thiết. Kinh nghiệm cho biết các ban Vận động diệt dốt ở địa phương nào hoạt động thực sự thì có tác dụng lớn đến việc phát triển và duy trì phong trào Bình dân học vụ đẩy mạnh được công tác xóa nạn mù chữ trong nhân dân.

Dưới đây Bộ quy định một vài điểm để các khu, tỉnh nghiên cứu thực hiện.

NHIỆM VỤ

Ban Vận động diệt dốt là một tổ chức quần chúng thành lập để giúp đỡ Ủy ban Hành chính lãnh đạo thực hiện kế hoạch phát triển Bình dân học vụ. Ban này có nhiệm vụ huy động phối hợp mọi khả năng diệt dốt của các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh phong trào Bình dân học vụ.

Cụ thể là:

1) Tuyên truyền cho những người còn mù chữ và mới thoát nạn mù chữ nhận rõ quyền lợi và nghĩa vụ học tập, động viên họ tự nguyện tham gia học tập liên tục, ở mọi nơi, mọi lúc để gấp rút thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa đúng kế hoạch Nhà nước.

2) Vận động người biết chữ xung phong làm cán bộ, giáo viên và giúp đỡ chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ.

3) Vận động các tầng lớp nhân dân giúp đỡ phương tiện hoạt động cho giáo viên, phương tiện học tập cho học viên để duy trì và phát triển phong trào (giúp đỡ xây dựng trường sở, giúp đỡ ánh sáng, học cụ, học phẩm vận động tặng phẩm cho cán bộ, giáo viên học viên, đơn vị có thành tích, tổ chức tổ chữ trẻ, tổ giữ trâu, giúp đỡ về vật chất cho cán bộ, giáo viên túng thiếu v.v...

TỔ CHỨC

1. – Tổ chức ban Vận động diệt dốt ở cấp nào?

Bộ thấy chỉ nên tổ chức các ban Vận động diệt dốt ở các cấp: thành phố, khu phố, tỉnh, thị xã và xã.

Ở mỗi xóm (nông thôn) và ở mỗi khối hay tiểu khu (thành thị) nên thành lập một tổ (hay phân ban) vận động diệt dốt gồm có nhiều nhóm: tuyên truyền vận động, dạy học, giữ trẻ, giúp đỡ về vật chất....

Ở cấp huyện, quân, khu và trung ương tuy không thành lập ban Vận động diệt dốt, nhưng từng thời kỳ cần thiết Bộ Giáo dục (trung ương) và Ủy ban Hành chính (ở khu, quận, huyện) sẽ tổ chức các cuộc họp liên tịch với đại biểu các ngành, các giới liên quan để bàn kế hoạch phối hợp lãnh đạo công tác Bình dân học vụ.

2. – Thành phần ở từng cấp

a) Nói chung ban Vận động diệt dốt gồm những thành phần như sau:

Đại biểu Ủy ban Hành chính.

Đại biểu cơ quan văn hóa,

Đại biểu các đoàn thể nhân dân (công đoàn, thanh niên, nông hội, phụ nữ).

Đại biểu cơ quan giáo dục (Bình dân học vụ).

Đại biểu các đoàn thể ở trong ban Vận động diệt dốt phải là những người đã được đoàn thể ấy phân công phụ trách công tác văn hóa giáo dục trong đoàn thể mình thì mới có điều kiện hoạt động cho Bình dân học vụ.

b) Ở thành phố, thị xã ngoài các đại biểu đoàn thể cần mời một số nhân sĩ, tri thức, phụ lão (kể cả lão mẫu) có nhiệt tình nhiều với bình dân học vụ tham gia ban Vận động diệt dốt thành hay thị.

c) Ở các cấp càng sát cơ sở như xã, khu phố thì thành phần càng rộng rãi, nhất là ở các đơn vị cơ sở như xóm, khối (hay tiểu khu) là đơn vị trực tiếp đi tuyên truyền vận động tổ chức việc học, việc dạy bình dân học vụ thì thành phần của tổ Vận động diệt dốt phải thật rộng rãi. Nó bao gồm tất cả những người có tinh thần sốt sắng và nhiệt tâm với Bình dân học vụ, có điều kiện hoạt động cho Bình dân học vụ, có tác dụng vận động quần chúng tham gia bình dân học vụ hoặc có khả năng giúp đỡ bình dân học vụ về mặt này hay mặt khác. Ở đây các cụ phụ lão (kể cả lão mẫu) là một lực lượng có nhiều khả năng tuyên truyền vận động, tổ chức. Tùy theo khả năng và điều kiện những thành viên đó sẽ phân công vào các nhóm để thiết thực hoạt động.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ