Thông tư 29/2007/TT-BKHCN hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu điêzen theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 29/2007/TT-BKHCN
Ngày ban hành 25/12/2007
Ngày có hiệu lực 21/01/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Trần Quốc Thắng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -  Hạnh phúc
--------------

Số: 29/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG ĐỘNG CƠ, DẦU ĐIÊZEN THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2007/NĐ-CP NGÀY 06/4/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ và dầu điêzen như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu điêzen (dưới đây viết tắt là xăng dầu).

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chế biến,  phân phối, bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước.

b) Thông tư này không áp dụng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không lưu thông trên thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng, dầu dùng cho máy bay. 

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Kinh doanh xăng dầu là các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối, bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước.

b) Sản xuất, chế biến xăng dầu là quá trình lọc dầu, chuyển hoá dầu thô và các nguyên liệu khác thành sản phẩm xăng dầu.

c) Cơ sở kinh doanh xăng dầu là nơi thực hiện việc nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối, giao nhận, bán lẻ xăng dầu, bao gồm nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, chế biến xăng dầu, nhà phân phối (tổng đại lý, đại lý), nhà bán lẻ (cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu) gọi chung là doanh nghiệp.

II. ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

1. Điều kiện bảo đảm chất lượng

a) Doanh nghiệp phải bảo đảm xăng dầu nhập khẩu có chất lượng phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng và nhiên liệu điêzen QCVN1:2007/BKHCN (sau đây viết tắt là QCVN 1:2007/BKHCN) .

Quy chuẩn này được soát xét, bổ sung sửa đổi định kỳ theo yêu cầu quản lý nhà nước.

b) Xăng dầu nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng trước khi làm thủ tục thông quan. Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Xăng dầu nhập khẩu đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục này mới được phép đưa vào lưu thông trên thị trường.

d) Xăng dầu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định được xử lý theo một trong hai hình thức tái chế hoặc tái xuất.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm yêu cầu quản lý chất lượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc tái chế hoặc tái xuất đối với xăng dầu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận chất lượng xăng dầu sau khi được tái chế đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Mục này của cơ quan kiểm tra theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra thông báo xác nhận chất lượng cho lô hàng.

đ) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định bị xử phạt theo Điều 21 Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

e) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo TCVN 6776: 2005 đối với xăng và TCVN 5689: 2005 đối với nhiên liệu điêzen và cung cấp tiêu chuẩn công bố áp dụng cho nhà phân phối, bán lẻ.

2. Điều kiện bảo đảm đo lường

Các phương tiện đo sử dụng trong giao nhận xăng dầu phải được kiểm định  theo quy định hiện hành và đang còn trong thời hạn hiệu lực kiểm định.

III. ĐIỀU KIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN XĂNG DẦU

1. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu phải có phòng thử nghiệm và đo lường đáp ứng những điều kiện sau:

[...]