Thông tư 28/2014/TT-BKHCN quy định việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 28/2014/TT-BKHCN
Ngày ban hành 15/10/2014
Ngày có hiệu lực 01/12/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Đầu tư,Công nghệ thông tin

B KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2014/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC XÉT DUYỆT, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐƯỢC HỖ TRỢ KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI SỰ NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC DỰ ÁN ĐẦU TƯ SẢN XUẤT SẢN PHẨM QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia (sau đây viết tắt là Dự án đầu tư SPQG).

Các dự án đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách chi đầu tư phát triển không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Thông tư này áp dụng với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN thuộc Dự án đầu tư SPQG của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN thuộc Dự án đầu tư SPQG (sau đây viết tắt là nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG) là việc nghiên cứu ứng dụng các kết quả của nhiệm vụ KH&CN hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến từ các nguồn khác nhằm làm chủ, hoàn thiện và ổn định công nghệ để sản xuất SPQG, bao gồm các loại hình sau đây:

a) Chuyển giao công nghệ sản xuất SPQG: tiếp nhận chuyển giao bí quyết kỹ thuật; phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; mua sắm, nhập khẩu máy móc thiết bị chuyên dụng trong nước chưa sản xuất được phục vụ nghiên cứu công nghệ sản xuất SPQG;

b) Ứng dụng công nghệ sản xuất SPQG: hoàn thiện quy trình công nghệ, giải pháp KH&CN; xây dựng các phần mềm máy tính; thử nghiệm, phân tích, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm; sản xuất lô số không.

2. Lô số không là lô sản phẩm được sản xuất thử trên hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ đã được hoàn thiện (đối với các sản phẩm sản xuất theo phương thức công nghiệp) hoặc mô hình sản xuất thí điểm, thử nghiệm (đối với các sản phẩm sản xuất theo phương thức khác) nhằm ổn định công nghệ, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

3. Đơn vị quản lý SPQG là đơn vị có chức năng quản lý nhà nước của Cơ quan chủ quản SPQG được Thủ trưởng Cơ quan chủ quản SPQG giao trách nhiệm quản lý các đề án, dự án phát triển SPQG.

Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) là đơn vị đầu mối quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, đồng thời là Đơn vị quản lý SPQG của Bộ KH&CN.

Điều 3. Áp dụng văn bản pháp luật

1. Cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&CN, Cơ quan chủ quản SPQG, Ban chủ nhiệm chương trình, Đơn vị quản lý SPQG, tổ chức chủ trì Dự án đầu tư SPQG, giám đốc Dự án đầu tư SPQG, chủ nhiệm nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xét duyệt, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ thuộc Dự án đầu tư SPQG được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp KH&CN thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ và các văn bản khác có liên quan.

2. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của các hội đồng xét duyệt và hội đồng thẩm định quy định tại Điều 7 và Điều 11 của Thông tư này được áp dụng theo Điều 10 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Tư vấn độc lập: quy định về chuyên gia tư vấn độc lập, thủ tục lấy ý kiến và trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập được áp dụng theo Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương II

[...]