BỘ TƯ PHÁP
BỘ Y TẾ
******
|
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 2795-HCTP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 12 năm 1956
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ MỘT
SỐ ĐIỂM CỤ THỂ TRONG CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y
|
|
Kính
gửi:
|
-Ủy ban Hành chính các khu, thành phố và tỉnh,
|
|
-Tòa nhân dân khu, thành phố và tỉnh
-Sở y tế và Ty y tế
|
|
|
|
Từ trước tới nay sự phối hợp giữa cơ quan y tế và công an, tòa
án trong công tác giám định pháp y đã đem lại kết quả tốt là đã giúp cho cơ
quan điều tra khám phá ra một số vụ phạm pháp.
Nhưng cũng còn có những thiếu sót và khó khăn
Để sửa chữa tình trạng trên, Liên bộ nhận thấy cần quy định về
một số điểm cụ thể trong công tác giám định pháp y như sau:
I. TRƯỜNG HỢP CẦN GIÁM ĐỊNH PHÁP Y:
Nói chung cần chưng cầu sự giám định pháp y, khi nào cần đến
nhà chuyên môn pháp y để giúp đỡ công an và tòa án nhận xét trong những trường
hợp tình nghi có sự phạm pháp hoặc nhận xét trách nhiệm của can phạm để định tội,
lượng hình cho đúng. Như những trường hợp sau đây:
a) Có người chết mà nguyên nhân không rõ ràng, tình nghi có án
mạng.
b) Phụ nữ tình nghi bị hiếp dâm hoặc phá thai.
c) Người phạm pháp tình nghi có bệnh điên.
d) Người bị tai nạn lao động thành tật.
e) Người bị đánh thành thương tích, ....
II. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TRƯNG CẦU SỰ GIÁM
ĐỊNH PHÁP Y:
Những viên chức của các cơ quan sau đây có thẩm quyền trưng cầu
sự giám định pháp y:
a) Công tố ủy viên, Phó Công tố ủy viên, Chánh án và Phó Chánh
án Tòa án nhân dân tỉnh, khu hay Sơ thẩm, Phúc thẩm thành phố.
b) Trưởng Ty, Phó Ty công an tỉnh, Chánh Phó Giám đốc, Trưởng
Phó Phòng Bảo vệ chính trị, Trưởng Phó Phòng Trị an Hành chính Sở công an.
c) Trưởng Phó Phòng Quân pháp, Trưởng Cục Phó Cục Quân pháp.
III. VIỆC LỰA CHỌN GIÁM ĐỊNH VIÊN:
Để đảm bảo về mặt chuyên môn, cán bộ y tế phụ trách giám định
pháp y phải là bác sĩ y khoa và trong điều kiện hiện tại có thể chọn y sĩ,
nhưng y sĩ này phải được huấn luyện về pháp y.
Số cán bộ y tế có trách nhiệm về giám định pháp y lập thành
danh sách hàng năm quy định cho mỗi địa phương như sau:
a) Ở thành phố Hà Nội và Hải Phòng từ 3 đến 5.
b) Ở các tỉnh và thành phố Nam Định từ 2 đến 3.
Ở các khu không cần lập danh sách giám định viên cho khu. Khi
cần đến thì sẽ trưng cầu giám định viên có trong danh sách của tỉnh nơi xảy ra
vụ phạm pháp hoặc của một tỉnh nào khác trong khu.
Danh sách giám định viên của tỉnh do tòa án nhân dân tỉnh sau
khi lấy ý kiến của Ty Y tế đề cử lên tòa án nhân dân khu duyệt y. Đối với các
thành phố và các địa phương do Trung ương lãnh đạo trực tiếp thì danh sách giám
định viên do tòa án nhân dân các thành phố và địa phương ấy sau khi lấy ý kiến
của cơ quan y tế sở quản đề cử lên Bộ Tư pháp duyệt y.
Cán bộ Y tế được chọn làm giám định viên pháp y ở trong một địa
phương họp thành Hội đồng giám định pháp y có phân công phụ trách để mỗi khi được
trưng cầu thì có cán bộ chấp hành ngay.
Mặt khác lề lối làm việc tập thể trong Hội đồng giám định pháp
y giúp cho giám định viên nhận định được chính xác hơn trong những trường hợp
khó khăn phức tạp.
Ngoài các bác sĩ và y sĩ đã đề cử vào danh sách giám định viên
cơ quan điều tra có quyền trưng cầu các bác sĩ và y sĩ khác trong trường hợp khẩn
cấp.
Đối với bác sĩ và y sĩ được trưng cầu làm giám định viên mà
không chấp hành nhiệm vụ sẽ bị xử trí theo điều 5 sắc lệnh số 162-SL ngày 25
tháng 8 năm 1946 và điều 12 Sắc lệnh số 68-SL ngày 30 tháng 11 năm 1945.
IV. QUAN NIỆM VỀ CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y
Giám định viên pháp y cũng như cơ quan điều tra cần có quan niệm
đúng về công tác giám định pháp y. Về phía giám định viên là đem sự hiểu biết
chuyên môn của mình đóng góp vào sự điều tra khám phá, các vụ phạm pháp để bảo
vệ trật tự an ninh, trấn áp bọn phá hoại, do đó cần nhận rõ trách nhiệm chính
trị của mình, để có thái độ tích cực chủ động trong phạm vi trách nhiệm của
mình, không có thái độ bàng quan, trái lại công tác chặt chẽ với cơ quan điều
tra tiến hành cuộc khám nghiệm cho có kết quả tốt.
Về phía cơ quan điều tra cũng cần quan niệm đúng về công tác
giám định pháp y, để không có thái độ ỷ lại vào giám định viên hoặc đòi hỏi quá
khả năng của giám định viên. Trên sự hiểu biết khoa học, giám định viên cho ta
biết những hiện tượng khách quan để làm manh mối cho cuộc điều tra. Do đó cơ
quan điều tra cần phối hợp chặt chẽ với giám định viên để giúp cho giám định
viên biết sự việc đã xảy ra, đời sống lý lịch của người được khám nghiệm. Như vậy
cuộc khám nghiệm mới tiến hành đúng hướng và phúc đáp được yêu cầu của cuộc điều
tra. Dĩ nhiên là cơ quan điều tra không phải nói hết kết quả của cuộc điều tra,
những điểm cần giữ bí mật nếu tiết lậu thì trở ngại cho việc khám phá ra việc
phạm pháp mà chính giám định viên có biết cũng không có lợi ích gì cho việc
khám nghiệm.
V. THỦ TỤC TIẾN HÀNH CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH
PHÁP Y
a) Mỗi khi trưng cầu giám định cơ quan có thẩm quyền gửi
"thư trưng cầu giám định pháp y" cho cán bộ y tế phụ trách Hội đồng
giám định pháp y để tùy tính chất sự việc và tùy sự phân công trong Hội đồng mà
cán bộ phụ trách cử giám định viên.
Tuy nhiên, ở những nơi nào có điều kiện để phân công trước giữa
các bác sĩ giám định viên thì Hội đồng giám định pháp y cho cơ quan có thẩm quyền
biết để khi cần thì trưng cầu đích danh bác sĩ nào đi khám bệnh cho được nhanh
chóng.
b) Thư trưng cầu nói rõ:
- Tên họ, tuổi, chỗ ở người được khám nghiệm.
- Sơ lược việc đã xảy ra.
- Những điểm nghi vấn cụ thể để yêu cầu giám định.
- Nếu đã sơ khám thì trích biên bản sơ khám gửi kèm theo.
- Nếu phải lưu động đến chỗ khám nghiệm thì nói rõ địa điểm.
Cán bộ điều tra sẽ đi cùng giám định viên và chứng kiến cuộc khám nghiệm.
c) Giám định viên có quyền dùng tất cả các phương tiện khám
nghiệm (như mổ tử thi, lấy một bộ phận đem về khám nghiệm phân chất...) để đạt
được yêu cầu của cuộc khám nghiệm.
d) Nếu cần gửi một bộ phận tử thi về Viện Vi trùng học để phân
chất tìm chất độc thì giám định viên phải phụ trách việc gửi và theo dõi nhắc
nhở để kịp thời có kết luận cho cơ quan điều tra. Khi niêm phong có giám định
viên và cán bộ điều tra cũng chứng kiến. Trong những trường hợp cần người mang
đồ vật cần xét nghiệm về Viện Vi trùng học thì cơ quan y tế địa phương đề nghị
với Ủy ban địa phương giúp đỡ.
e) Sau khi xét nghiệm xong, giám định viên làm báo cáo viết. Nội
dung và kết luận của báo cáo phải gọn gàng và đầy đủ làm cho những người không
phải ở trong giới y học có thể hiểu được và giải đáp đúng vào điểm nghi vấn của
cơ quan điều tra.
Ngoài các điểm nghi vấn mà cơ quan điều tra đã nêu, giám định
viên có thể phát hiện thêm những điểm khác.
g) Giám định viên phải giữ bí mật về kết quả của cuộc giám định
và những điều mà cơ quan điều tra đã cho mình biết.
h) Tòa án có thể mời giám định viên đến trình bày việc khám
nghiệm tại phiên tòa.
VI. CẤP PHÍ CHO GIÁM ĐỊNH VIÊN
Tiền cấp phí cho giám định viên sẽ quy định trong một nghị định
khác của Liên Bộ Y tế - Tài chính – Tư pháp.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
B.S Hoàng Tích Trí
|
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ
PHÁP
Vũ Đình Hòe
|