Thông tư 27-LĐ/TT năm 1961 về bản quy tắc an toàn lao động trong việc đào đất do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 27-LĐ/TT
Ngày ban hành 20/12/1961
Ngày có hiệu lực 04/01/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH BẢN QUY TẮC AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC ĐÀO ĐẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Bộ
- Các Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy sản, Địa chất và Bưu điện
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động

 

Để ngăn chặn những tai nạn về sập đất xảy ra trên các công trường, ngày 18-06-1959 Bộ Lao động đã ban hành thông tư số 10/LĐ-TT cấm đào đất theo kiểu hàm ếch. Đến nay những tai nạn này đã giảm đi rõ rệt, nhưng nhìn chung tai nạn vì đào đất không đúng kỹ thuật còn xảy ra nhiều. Ngoài những tai nạn vì sập hàm ếch lẻ tẻ vẫn còn xảy ra ở những nơi chưa nghiêm chỉnh chấp hành thông tư trên, lối đào “thành vại”, việc cắt ta-luy quá dốc v.v… cũng đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Hiện nay các công trường kiến thiết cơ bản phát triển nhiều, để những tai nạn như trên không xảy ra nữa, Bộ Lao động thấy chỉ cấm đào đất theo kiểu hàm ếch chưa đủ, mà cần phải quy định đầy đủ hơn về kỹ thuật an toàn trong việc đào đất để đảm bảo an toàn cho lao động. Bản quy tắc “an toàn lao động trong việc đào đất” ban hành theo thông tư này nhằm mục đích trên, nó không đi sâu vào chi tiết của kỹ thuật đào đất mà chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản và tối thiểu mà tất cả các công trường thuộc tất cả các ngành đều phải thực hiện để đảm bảo an toàn lao động. Mỗi ngành, mỗi công trường, tùy theo tính chất công tác và điều kiện làm việc của mình sẽ đề ra những biện pháp cụ thể và thích hợp để áp dụng đúng đắn các nguyên tắc trên.

Bộ Lao động đề nghị các Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh phổ biến rộng rãi bản quy tắc này và chỉ thị cho các công trường trực thuộc tổ chức cho cán bộ và công nhân học tập kỹ, để thấy được tính chất phức tạp của việc làm đất, không chủ quan coi thường, và phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã quy định.

Riêng đối với công trường mới mở, nhất là các công trường có nhiều anh chị em mới ở nông thôn ra làm, hoặc có nhiều dân công, việc tổ chức cho anh chị em học tập bản quy tắc phải tiến hành trước khi đưa anh chị em ra hiện trường làm việc.

Các cơ quan Lao động địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công đoàn để kiểm tra, đôn đốc các công trường thực hiện đúng đắn văn bản này, kịp thời ngăn chặn những vụ vi phạm và báo cáo cho Bộ biết những khó khăn mắc mứu để nghiên cứu giải quyết.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

 

 

 

QUY TẮC

AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC ĐÀO ĐẤT

I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. – Để đảm bảo an toàn lao động trong việc đào đất, Bộ Lao động ban hành bản quy tắc này (kèm theo thông tư số: 27/LĐ-TT ngày 20-12-1961).

Điều 2. – Trước khi giao cho công nhân đào đất, công trường phải tổ chức cho anh chị em học tập kỹ bản quy tắc để hiểu rõ và chấp hành đầu đủ những điều đã quy định.

Trong quá trình làm việc nếu có những tình hình hoặc yêu cầu về kỹ thuật khác cần phải giải quyết mà bản quy tắc này chưa đề cập tới thì phải do cán bộ phụ trách về kỹ thuật của công trường giải quyết.

Điều 3. – Cần đào đất ở nơi nào, cán bộ phụ trách về kỹ thuật của công trường, phải thăm dò trước nơi đó để biết rõ chất đất, đặt phương pháp đào thích hợp, bố trí mọi phương tiện cần thiết như dụng cụ làm việc, thiết bị an toàn, trang bị bảo hộ lao động và phải hướng dẫn kỹ cho công nhân đào để đảm bảo an toàn lao động. Khi đào ở chỗ nguy hiểm cán bộ kỹ thuật phải có mặt thường xuyên tại đó.

Điều 4. – Trước khi đào đất công nhân phải kiểm tra và sửa chữa lại dụng cụ làm việc tránh để những bộ phận bị long hoặc sắp gẫy văng ra gây nên tai nạn.

Điều. 5. – Ở những chỗ cần đào đất công trường phải có biện pháp làm thoát nước trên mặt để tránh cho đất khỏi bị sụt, lở.

Điều 6. – Tuyệt đối cấm đào đất theo kiểu hàm ếch.

Điều 7. – Đào đất ở những nơi có dây điện ngầm, ban chỉ huy công trường phải nghiên cứu kỹ trước bản vẽ các đường dây để đặt kế hoạch đào an toàn. Khi đào phải có sự hướng dẫn tại chỗ của cán bộ hoặc công nhân kỹ thuật về điện.

Điều 8. – Đang đào đất nếu phát hiện thấy có các công trình ngầm như đường ống, dây cáp điện v.v… công trường phải đình chỉ ngay việc đào đất để điều tra cho rõ, báo cho cơ quan quản lý công trình đó biết và chỉ được tiếp tục đào khi người phụ trách có thẩm quyền của cơ quan nói trên đồng ý.

Điều 9. – Đang đào đất nếu gặp phải mồ mả hoặc hố than, công nhân phải đình chỉ ngay việc đào và báo cho cán bộ phụ trách trực tiếp biết để bố trí đủ dụng cụ làm việc mà trang bị bảo hộ lao động cần thiết trước khi tiếp tục đào. Tuyệt đối không ai được tự tiện mở nắp quan tài ra hoặc chui vào bố than để đề phòng hít phải hơi độc.

Điều 10. – Ở những nơi có người đi lại, các hào, hố, đào, dỡ, nếu nông thì về ban đêm  phải đặt ván hoặc rào che miệng hố lại trước khi ngừng việc. Đối với những hố sâu (từ 1m50 trở lên) thì ban ngày phải đặt biển báo hiệu và ban đêm ngoài việc rào xung quanh còn phải đặt đèn đỏ báo hiệu.

[...]