Thông tư 27-LB-TT năm 1957 về việc cho công nhân, lao động ở các vùng rét nhiều vay tiền mua sắm chống rét do Bộ Lao động-Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27-LB-TT
Ngày ban hành 19/12/1957
Ngày có hiệu lực 03/01/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Tạo,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27-LB-TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHO CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG Ở CÁC VÙNG RÉT NHIỀU VAY TIỀN MUA SẮM CHỐNG RÉT

Mùa rét năm 1956, để chiếu cố tới anh chị em cán bộ, công nhân và nhân viên miền Nam tập kết, chưa quen khí hậu miền Bắc, Đảng và Chính phủ đã cấp phát thêm chăn và áo ấm, giúp cho anh chị em có đủ điều kiện giữ gìn sức khoẻ. Đợt cấp phát này coi như là đợt cuối cùng. Trong dịp ấy, có ngành cũng đã cho một số công nhân, lao động miền Bắc vay tiền để mua sắm chống rét.

Như vậy là liên tiếp trong hai vụ rét, Chính phủ đều đã lo độ ấm cho anh chị em.

Mùa rét năm nay, không làm như năm trước nữa, mà chủ yếu là các cá nhân, các cơ sở, các ngành phải tự giải quyết việc mua sắm chống rét.

Về việc này Thủ tướng phủ vừa có chỉ thị như sau:

“Chỉ riêng đối với những trường hợp cụ thể cá biệt có những anh chị em công nhân công tác ở vùng rừng núi, trên mặt sông mặt bể, ở đảo, ở mỏ thật sự quá thiếu thốn, không có khả năng mua chăn, áo chống rét thì xí nghiệp, doanh nghiệp, công trường có thể cho mượn số tiền thiếu để trang bị chống rét và sẽ thu hồi dần vào lương”.

Dưới đây Liên bộ Lao động, Tài chính quy định một số chi tiết thi hành:

I. PHẠM VI THI HÀNH

Thông tư này áp dụng cho anh chị em công nhân và cán bộ, nhân viên công tác, trong các doanh nghiệp, xí nghiệp, công nông lâm trường ở những vùng nói trên.

Không thi hành ở các công trường ngắn hạn, làm ít ngày rồi giải tán.

Không thi hành đối với anh chị em làm việc theo mùa, theo vụ (không thường xuyên), đối với những người năm ngoái đã được cấp phát hay cho vay để mua sắm, nhưng sau đã bán đi để tiêu sài lãng phí (tuy nhiên trường hợp cá biệt, xét quả thật thiếu thốn thì cũng có thể cho vay).

II. MỨC CHO VAY

Mỗi người được vay để mua: một chăn bông hoặc một áo vệ sinh hoặc một áo bông; mức tối đa được vay là 30.000 đồng. Đây là mức ấn định tối đa, không phải ai cũng được vay cho đủ 3 vạn, mà phải tuỳ theo thiếu nhiều, thiếu ít mà cho vay.

III. CÁCH THỨC CHO VAY VÀ THU HỒI

Do tinh thần trên, việc cho vay chống rét không phải là một chế độ, nên Nhà nước không thể cấp phát được mà xí nghiệp và các Bộ, các ngành chủ quản phải tự giải quyết là chính. Có thể mượn tiền của quỹ phúc lợi, quỹ tiền thưởng hoặc quỹ công đoàn của xí nghiệp để cho vay. Nếu xí nghiệp nào không đủ điều kiện để giải quyết thì Bộ hoặc ngành chủ quản có thể điều hoà khả năng xí nghiệp này giúp xí nghiệp khác và chịu trách nhiệm thu hồi để hoàn lại trong một thời gian nhất định. Cần tránh sử dụng vốn lưu động của xí nghiệp, công trường  chi vào việc này, ảnh hưởng đến sản xuất.

Đối với các đơn vị kiến thiết cơ bản, sự nghiệp và cả một số xí nghiệp như nông lâm trường không có quỹ riêng để giải quyết thì các Bộ chủ quản làm dự trù, báo cáo với Bộ Tài chính để có biện pháp giải quyết tuỳ khả năng tài chính. Số tiền được tạm ứng Bộ Tài chính sẽ trừ dần vào kinh phí cấp phát hàng tháng của các đơn vị.

Các doanh xí nghiệp, các đơn vị kiến thiết, sự nghiệp có nhiệm vụ thu hồi dần, ít nhất mỗi tháng 10% số lương hàng tháng (kể cả phụ cấp khu vực) của cán bộ, công nhân, để hoàn lại số tiền được vay.

IV. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Các Bộ sẽ cùng các Cục trực thuộc chỉ định rõ những cơ sở nào thuộc phạm vi thi hành chủ trương này, không nên có công văn chung cho tất cả các cơ sở.

Liên bộ Lao động và Tài chính đề nghị với các Bộ, các ngành chú ý tinh thần chỉ thị của Thủ tướng phủ là chỉ giải quyết cho những người thật quá thiếu thốn, tránh việc thi hành tràn lan. Cán bộ cơ sở phải có trách nhiệm nói cho anh chị em hiểu rõ hơn nữa những khó khăn chung của Nhà nước để đề cao ý thức tự lực cánh sinh của anh chị em.

Việc nhận xét để cho vay ở các cơ sở phải đi vào cụ thể từng người xem người đó đã có gì, đã đủ ấm chưa, còn thiếu gì, để quyết định cho vay hay không.

Đây là việc cho vay để mua sắm chống rét nên phải làm thế nào để anh chị em có hiện vật để dùng, nhất thiết không được vay tiền rồi chi tiêu vào việc khác.

Trên đây Liên bộ Lao động - Tài chính nêu lên mấy điểm chính để các Bộ nghiên cứu áp dụng theo đúng tinh thần chỉ thị số 7274 ngày 11 tháng 12 năm 1957 của Thủ tướng phủ (bản sao đã gửi đến các Bộ). Nên có kế hoạch làm nhanh, gọn vì nay đã bắt đầu rét nhiều.

Ngoài ra Liên bộ xin nhắc và việc sửa chữa nhà cửa chống rét cho công nhân, lao động cũng rất cần, thuộc vào việc tu sửa thường xuyên mà các Bộ, các ngành đã có dự trữ rồi.

 

TK. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG





Nguyễn Văn Tạo

 

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ