Thông tư 27/1997/TC-VT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với việc quay vòng vốn của hoạt động tiếp thị xã hội các loại bao cao su và phương tiện tránh thai do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27/1997/TC-VT
Ngày ban hành 23/05/1997
Ngày có hiệu lực 06/06/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/1997/TC-VT

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27/1997/TC-VT NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC QUAY VÒNG VỐN CỦA HOẠT ĐỘNG TIẾP THỊ XÃ HỘI CÁC LOẠI BAO CAO SU VÀ PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 20/CP ngày 15/3/1994 của Chính phủ về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Sau khi trao đổi thống nhất với các cơ quan điều phối của Chính phủ về quản lý nguồn ODA, Bộ Y tế và Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá Gia đình, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Nhà nước đối với việc quay vòng vốn cho hoạt động tiếp thị xã hội các loại bao cao su và phương tiện tránh thai như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Mọi nguồn vốn có nguồn gốc từ nguồn ngân sách (ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ nước ngoài, vốn vay...) sử dụng để quay vòng hoạt động tiếp thị xã hội các loại bao cao su và phương tiện tránh thai đều thuộc phạm vi quản lý của Thông tư này.

2. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội (dưới đây gọi tắt là các đơn vị) được Nhà nước cho phép thực hiện hoạt dộng tiếp thị xã hội các loại bao cao su và phương tiện tránh thai phải thành lập bộ phận quản lý để tiến hành các hoạt động và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước cũng như các quy định tại Thông tư này.

3. Các loại bao cao su và phương tiện tránh thai (dưới đây gọi tắt là các sản phẩm) đưa vào tiếp thị xã hội phải là loại bao cao su và phương tiện tránh thai đã đăng ký chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm theo quy định mà chỉ dùng riêng cho tiếp thị xã hội và được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép lưu hành sử dụng ở Việt Nam.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Lập dự toán thu, chi:

1.1. Hàng năm, căn cứ vào chương trình, dự án đã được Chính phủ cho phép ký kết với tổ chức viện trợ, các đơn vị lập dự toán thu chi cho hoạt động tiếp thị xã hội cùng với dự toán thu, chi ngân sách của đơn vị gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1.2. Dự toán thu, chi phải nêu rõ các nội dung sau:

1.2.1. Kế hoạch tiếp nhận tiền, hàng đối với từng nguồn vốn (trị giá và số lượng từng chủng loại).

1.2.2. Kế hoạch bán hàng, thu tiền và mua hàng quay vòng.

2. Tổ chức đấu thầu và lựa chọn đại lý.

Tổ chức đấu thầu công khai và tuân thủ các chế độ hợp đồng kinh tế Nhà nước các hoạt động sau:

2.1. Mua sắm hàng hoá và các dịch vụ (đóng gói lại, in dán nhãn trên bao bì, quảng cáo...) trong nước trị giá trên 100 triệu đồng thực hiện theo Quyết định số 20 TC/KBNN ngày 17/1/1996 của Bộ Tài chính.

2.2. Lựa chọn hệ thống đại lý phân phối sản phẩm. Các đối tượng thuộc mọi thành phần kinh tế có giấy phép kinh doanh mặt hàng y tế và kế hoạch hoá gia đình đều có thể được lựa chọn làm đại lý phân phối sản phẩm.

2.3. Lựa chọn doanh nghiệp uỷ thác nhập khẩu đối với sản phẩm cần mua từ nước ngoài. Các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu mặt hàng y tế mới được lựa chọn để mua các sản phẩm quay vòng.

2.4. Hàng mua ngoài nước thực hiện đấu thầu quốc tế theo cam kết với các tổ chức tài trợ.

3. Thủ tục tiếp nhận viện trợ:

3.1. Đối với hàng hoá hoặc tiền mặt do các Chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế viện trợ các đơn vị phải thực hiện các thủ tục xác nhận viện trợ theo quy định tại Thông tư số 22 TC/VT ngày 20/3/1995 và Thông tư số 87 TC/VT ngày 27/10/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ nước ngoài.

4. Định giá:

4.1. Giá bán buôn, bán lẻ cho từng loại sản phẩm, tỷ lệ hoa hồng và định mức các chi phí khác do Hội đồng định giá của Bộ, ngành Trung ương, địa phương được Nhà nước cho phép thực hiện tiếp thị xã hội quyết định. Thành viên của Hội đồng có sự tham gia của Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan.

4.2. Đối với hàng viện trợ nhập khẩu không các đơn giá, cơ quan chủ quản phải tổ chức kiểm kê và định giá theo nguyên tắc nêu tại điểm 4.1.

4.3. Giá bán lẻ sau khi được Hội đồng định giá quyết định phải được in rõ trên bao bì của các sản phẩm trước khi đưa vào tiếp thị xã hội.

5. Mua và bán hàng:

5.1. Các đơn vị tổ chức bán hàng thông qua hệ thống đại lý đã được lựa chọn theo quy định tại điểm 2.2.

5.2. Các đơn vị được Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động tiếp thị xã hội mở một tài khoản riêng tại Kho bạc để tiếp nhận số tiền thu hồi từ bán hàng và nộp NSNN.

[...]