Thông tư 26-TTg/CN-1968 quy định tạm thời chính sách, chế độ đối với các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (tập trung) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 26-TTg/CN |
Ngày ban hành | 27/02/1968 |
Ngày có hiệu lực | 13/03/1968 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 26-TTg/CN |
Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1968 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Tiếp theo Quyết định số 121-TTg ngày 06/7/1966, Thủ tướng Chính phủ ra thông tư này quy định tạm thời việc áp dụng cụ thể một số chính sách, chế độ đối với các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (tập trung) như sau:
I. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG KHI ỐM ĐAU
Khi ốm đau, thanh niên xung phong được khám bệnh và điều trị tại những cơ sở y tế của Nhà nước. Tiêu chuẩn khám bệnh, thuốc men và bồi dưỡng, được áp dụng như đối với công nhân, viên chức trong biên chế làm việc ở các công trường, lâm trường của Nhà nước. Mọi chi phí về khám bệnh, thuốc men và bồi dưỡng do Nhà nước đài thọ theo chế độ hiện hành. Tiêu chuẩn thuốc dự phòng (phòng bệnh và phòng không nhân dân) được áp dụng như đối với công nhân, viên chức trong biên chế làm việc ở các công trường, lâm trường của Nhà nước và kinh phí do ngành sử dụng đài thọ.
Trong thời gian nghỉ việc vì ốm đau được thầy thuốc chứng nhận, cho đến khi khỏi bệnh trở lại đơn vị công tác, thanh niên xung phong được giữ nguyên sinh hoạt phí.
Thanh niên xung phong bị tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, bị thương trong tập luyện quân sự hoặc bị thương trong chiến đấu (trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu) được điều trị, điều dưỡng tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Tiêu chuẩn, chế độ khi điều trị, điều dưỡng được áp dụng như đối với công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước và do kinh phí Nhà nước đài thọ theo chế độ hiện hành. Trong thời gian điều trị, điều dưỡng, thanh niên xung phong được giữ nguyên sinh hoạt phí. Sau khi điều trị được xét để xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp như sau:
1. Trường hợp bị thương vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, bị thương trong tập luyện quân sự thì được xếp hạng thương tật và hưởng chế độ trợ cấp như thương binh loại B, theo tiết 2, chương II trong điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân đã ban hành theo nghị định số 161-CP ngày 30/10/1964 của Hội đồng Chính phủ.
2. Trường hợp bị thương trong chiến đấu (trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu) hoặc vì có những hành động dũng cảm trong công tác, sản xuất, trong việc bảo vệ tính mệnh của nhân dân và tài sản của Nhà nước thì được xếp hạng thương tật và hưởng chế độ trợ cấp như thương binh loại A, theo tiết 2, chương II trong điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân đã ban hành theo nghị định số 161-CP ngày 30/10/1964 của Hội đồng Chính phủ.
III. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG MẤT SỨC LAO ĐỘNG
Thanh niên xung phong bị mất sức lao động do bị tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, bị thương trong tập luyện quân sự hoặc bị thương trong chiến đấu (trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu) thì tuỳ mức độ mất sức lao động, tùy theo hoàn cảnh gia đình và nơi nương tựa của từng người mà giải quyết cho phù hợp theo các hướng sau đây:
1. Đối với những người mất sức lao động một phần (dưới 71%) nếu không thể đảm nhiệm công việc cũ nữa thì đơn vị sử dụng (công trường, lâm trường…) cố gắng sắp xếp công việc nhẹ cho phù hợp với sức khỏe còn lại của họ. Trường hợp công trường, lâm trường không sắp xếp được thì cơ quan chủ quản (Bộ, ngành hoặc Ủy ban hành chính các địa phương) điều chỉnh giữa các đội thanh niên xung phong, hoặc lựa chọn bổ sung vào biên chế các cơ quan, xí nghiệp trong ngành hoặc chọn cử đi học những ngành nghề thích hợp. Sau khi các cơ quan chủ quản đã tìm mọi cách để tự sắp xếp mà không được thì báo cáo cho Bộ Lao động để điều chỉnh chung giữa các ngành và các địa phương nhằm sử dụng sức lao động còn lại của những người này. Trường hợp không điều chỉnh được sẽ cho xuất ngũ về gia đình.
2. Đối với những người mất sức lao động trên 71% đã được Hội đồng giám định y khoa xác nhận, thì được xét theo nguyện vọng cho xuất ngũ để về gia đình; đối với những người không có nơi nương tựa hoặc gia đình không có khả năng chăm sóc, và những người tàn phế không còn khả năng lao động, thì Bộ Nội vụ thu nhận anh em vào các trại thương binh hoặc an dưỡng.
Thanh niên xung phong xuất ngũ về gia đình như đã nói ở điểm 1, điểm 2, mục III trên đây, được trợ cấp một lần bằng 3 tháng sinh hoạt phí.
Khi về địa phương, Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã có trách nhiệm vận động nhân dân giúp đỡ về vật chất và tinh thần, bố trí công việc làm thích hợp cho bản thân và gia đình từng người để anh em có thu nhập bảo đảm đời sống bình thường và lâu dài; nếu Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã đã tận tình giúp đỡ những đời sống của bản thân và gia đình những người đó còn gặp nhiều khó khăn thì Ủy ban hành chính địa phương sẽ xét và quyết định trích quỹ xã hội địa phương để giúp đỡ thêm. Khi ốm đau do vết thương cũ tái phát, những người đó được hưởng chế độ khám và chữa bệnh như khi còn tại ngũ.
IV. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHÔN CẤT THANH NIÊN XUNG PHONG CHẾT VÀ TRỢ CẤP TIỀN TUẤT CHO GIA ĐÌNH
1. Chế độ trợ cấp chôn cất
Thanh niên xung phong chết, tùy theo điều kiện từng nơi, cơ quan sử dụng có nhiệm vụ tổ chức chôn cất chu đáo. Các khoản chi phí về chôn cất này thanh toán theo thực chi nhưng nhiều nhất cũng không quá 150đ.
2. Chế độ trợ cấp tiền tuất cho gia đình
Thanh niên xung phong chết vì ốm đau, chết vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh và tai nạn rủi ro khác, thì thân nhân được trợ cấp một lần một số tiền là 270đ.
Thanh niên xung phong có những hành động hy sinh dũng cảm trong việc trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, trong công tác và trong sản xuất, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mệnh của nhân dân, nếu được xác định là liệt sĩ thì thân nhân được trợ cấp như quy định ở điều 64, trong tiết 3, chương III của điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 30/10/1964 của Hội đồng Chính phủ.
V. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC
1. Thanh niên xung phong được cử đi học các trường, lớp bổ túc kỹ thuật, nghiệp vụ ngắn hạn để về phục vụ công tác của thanh niên xung phong thì trong thời gian học tập được giữ nguyên sinh hoạt phí.
2. Thanh niên xung phong được cử đi học các trường sơ học, trung học chuyên nghiệp, đại học, thì tuỳ theo thâm niên công tác mà được xét cấp sinh hoạt phí thống nhất hoặc học bổng. Khi tính thâm niên, thanh niên xung phong được chiếu cố giảm bớt 1 năm thời gian công tác, cụ thể là:
- Những người đã công tác từ 2 năm trở lên, được hưởng sinh hoạt phí thống nhất, những người công tác ở những nơi gian khổ nguy hiểm đặc biệt thì dù chưa đủ 2 năm thâm niên cũng được hưởng sinh hoạt phí thống nhất.
- Những người đã công tác dưới 2 năm được hưởng học bổng.