Thông tư 26-TL-TT-1964 quy định tạm thời về quản lý, sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng do Bộ Thủy lợi ban hành

Số hiệu 26-TL-TT
Ngày ban hành 25/09/1964
Ngày có hiệu lực 10/10/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ lợi
Người ký Hà Kế Tấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TL-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MÁY BƠM NHỎ TƯỚI RUỘNG

 BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ LỢI

Kính gửi:
Đồng kính gửi: :

- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành,
- Các Ty thuỷ lợi.

Mấy năm gần đây, đi đôi với việc đẩy mạnh cải tiến công cụ tưới tát, việc sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng cũng được phát triển khá nhanh; đã góp phần tích cực vào việc chống hạn; chống úng, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Nhìn chung việc quản lý sử dụng máy bơm có tiến bộ, nhưng còn nhiều thiếu sót và tồn tại chưa được giải quyết như: phân phối và bố trí địa bàn hoạt động máy bơm chưa hợp lý, bảo quản máy còn kém, sử dụng máy chưa hết công sức; việc xây dựng các trạm bơm điện nhỏ nhiều nơi làm quy mô quá lớn và không bảo đảm chất lượng và kỹ thuật; việc hạch toán kinh tế làm chưa tốt, do đó giá thành tưới nước còn cao, thu không bù chi, thường bị lỗ vốn; tổ chức đội máy bơm còn những mắc mứu chưa được giải quyết, việc bán máy bơm cho hợp tác xã chưa quy định rõ ràng v.v… Những thiếu sót đó hạn chế nhiều việc phát huy tác dụng của máy bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để khắc phục những thiếu sót trên, sau khi xét nghị quyết của hội nghị máy bơm nhỏ toàn miền Bắc vào cuối 1963 và căn cứ chỉ thị của Ban Bí thư về cải tiến công cụ và cơ giới hoá nông nghiệp, Bộ quy định một số điểm sau đây nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng.

I. PHƯƠNG HƯỚNG SỬ DỤNG MÁY BƠM NHỎ

Máy bơm nhỏ bao gồm bơm dầu, bơm điện nhỏ, bơm than v.v… Trong điều kiện hiện tại, việc phát triển máy bơm nhỏ còn bị hạn chế cho nên công cụ lấy nước cải tiến vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong một thời gian tương đối dài trong khâu tưới tát. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ quy định phương hướng sử dụng máy bơm nhỏ như sau:

- Máy bơm nhỏ ưu tiên dùng tưới, tiêu cho vùng trọng điểm sản xuất lương thực, vùng cây công nghiệp tập trung, vùng cày bừa bằng máy kéo.

- Giữa vùng trong nông giang và ngoài nông giang, ưu tiên bố trí máy bơm dầu tưới suốt vụ cho vùng ngoài nông giang chưa có công trình thuỷ lợi bảo đảm, nhưng cũng cần chú ý thích đáng cho vùng trong nông giang, không tưới tự chảy được, phải tát quá cao.

- Máy bơm nhỏ ngoài việc sử dụng tưới cho các loại cây trồng, cần được sử dụng vào việc chống úng, nhưng phải khoanh vùng bố trí máy bơm kết hợp guồng gầu cải tiến thì việc dùng máy bơm nhỏ chống úng mới kết quả tốt. Trong việc dùng máy bơm nhỏ chống úng, nếu là bơm dầu kết hợp với guồng, gầu thì guồng gầu cải tiến đóng vai trò quyết định, nếu là bơm điện nhỏ kết hợp với guồng gầu thì bơm điện nhỏ vẫn là hỗ trợ, nhưng có tính chất quyết định,

- Mỗi máy bơm phải bảo đảm tưới, tiêu cho một số diện tích nhất định và phải thực hiện tưới tiêu chủ động theo khoa học, góp phần tăng năng suất cây trồng. Trong thời vụ cần tưới tiêu cho cây trồng, không được dùng máy bơm kinh doanh việc khác, ngoài thời vụ có thể dùng động cơ của máy bơm vào việc xay xát, chế biến v.v… nhưng không được làm trở ngại cho việc tưới ruộng, chống úng.

- Những nơi cần máy bơm tưới suốt vụ (tưới ải và tưới dưỡng hoặc tưới dưỡng suốt vụ) cần bố trí thành những trạm bơm nhỏ cố định. Những nơi chỉ cần tưới định kỳ, tưới bổ sung, chống hạn, có thể dùng bơm lưu động. Nhưng mỗi máy bơm lưu động phải phụ trách tưới cho một phạm vi diện tích nhất định để tận dụng công suất máy. Những nơi tiện đường sông nên bố trí bơm thuyền, bơm phà tưới lưu động.

- Những nơi tiện đường dây cao thế hoặc có thể kéo đường dây điện nông nghiệp, nên phát triển bơm điện nhỏ tưới, tiêu, dành máy bơm dầu cho những nơi chưa có điện.

Việc xây dựng những trạm bơm điện nhỏ, cũng như những trạm bơm dầu cố định, về quy mô theo hướng sau đây: Mỗi trạm bơm điện nhỏ chỉ tưới cho 200 – 300 éc-ta, nhiều nhất 500 éc-ta, nếu trạm bơm điện nhỏ tưới kết hợp tiêu thì mỗi trạm phụ trách tiêu cho một vùng bao nhiêu éc-ta ruộng, là tuỳ thuộc lưu lượng máy bơm bố trí tưới của mỗi trạm và hệ số tiêu của mỗi vùng. Trường hợp xây dựng trạm bơm điện nhỏ chỉ làm nhiệm vụ chống úng, thì mỗi trạm chống úng cho 300 ec-ta là tối đa. Quy mô mỗi trạm bơm dầu càng cần nhỏ hơn, nghĩa là tưới cho 100 – 150 éc-ta cá biệt mới tưới 200 éc-ta. Nếu địa phương nào thấy xét cần xây dựng những trạm bơm điện tưới tiêu cho diện tích lớn hơn quy định trên, thì ghi vào công trình dưới hạn ngạch và phải theo đúng trình tự kiến thiết cơ bản.

- Những nơi được sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng phải có đủ những điều kiện dưới đây:

a) Mỗi máy bơm dầu phải bố trí bảo đảm tưới ít nhất đạt 90% tiêu chuẩn diện tích, quy định cho từng vùng sẽ nói ở phần sau. Máy bơm điện nhỏ phải được bố trí đúng hệ số tưới tiêu do Bộ quy định.

b) Phải có đủ nguồn nước (kể cả lúc nước kiệt) để bảo đảm máy bơm hoạt động liên tục và có vị trí đặt máy bơm thuận tiện.

c) Độ cao đưa nước từ 1 mét trở lên, trừ các trường hơp phục vụ vùng cày bừa bằng máy kéo, vùng cây công nghiệp tập trung, vùng bình quân ruộng đất tính theo đầu người cao và thiếu nhân lực, vùng hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh nhiều ngành nhiều nghề, vùng cần nhiều nước thau chua rửa mặn. Những vùng ruộng đất có độ cao đưa nước từ một mét trở xuống bố trí guồng gầu tưới tát.

- Việc dùng máy bơm dầu chống úng và bố trí bơm điện nhỏ tưới tiêu không theo điều kiện độ cao đưa nước nói trên. Nhưng các trạm bơm điện nhỏ cần kết hợp tưới, tiêu để tận dụng công suất máy.

(Về phương hướng phát triển và quản lý bơm điện nhỏ sẽ có quy định cụ thể riêng).

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÁY BƠM NHỎ

Công tác quản lý máy bơm nhỏ bao gồm quản lý máy móc, kỹ thuật, quản lý tưới, quản lý kinh doanh.

1. Quản lý máy móc, kỹ thuật.

Phải có quy hoạch máy bơm nhỏ. Mỗi tỉnh cần căn cứ vào quy hoạch tỉnh, vùng, quy hoạch xã và hợp tác xã, căn cứ vào phương hướng sử dụng máy bơm nói trên, mà xây dựng quy hoạch máy bơm nhỏ (vùng nào bố trí máy bơm dầu, vùng nào xây dựng bơm điện nhỏ, vùng nào guồng cải tiến, vùng nào bơm guồng kết hợp v.v…). Dựa vào quy hoạch đó mà bố trí máy cho từng vùng phù hợp với đặc tính của mỗi loại máy. Đối với máy bơm dầu đã phân phối, bố trí từ trước chưa thích hợp cần tiến hành điều chỉnh giữa vùng này sang vùng khác, giữa tỉnh này sang tỉnh khác cho hợp lý.

Quy hoạch máy bơm của tỉnh trong năm 1964 phải xây dựng xong và gửi về Bộ tham gia ý kiến. Từ đấy trở đi hàng năm dựa vào quy hoạch máy bơm mà xây dựng kế hoạch phát triển máy bơm nhỏ trình Bộ xét duyệt.

Bộ sẽ ban hành những quy định kỹ thuật về đặt máy, bảo quản sử dụng, sửa chữa máy và sẽ quy định chế độ tiểu tu, trung tu, đại tu máy. Nhưng trong lúc chờ đợi, mỗi tỉnh tuỳ tình hình cụ thể địa phương mà tạm thời đặt những quy định kỹ thuật, chế độ theo những hướng dẫn trước đây để cơ quan trực tiếp quản lý thi hành. Ngoài ra phải có chế độ kiểm tra thực hiện.

Máy bơm đặt phân tán hay đặt thành trạm đều phải có nhà che máy và có kế hoạch bảo vệ, bảo quản máy. Mỗi máy phải có một lý lịch để tiện việc theo dõi, sửa chữa…

[...]