BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
26/2002/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2002
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 26/2002/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 03 NĂM 2002
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP CỦA
TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
MỘT THÀNH VIÊN
Thực hiện Nghị định số
63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề tài
chính liên quan trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI
TƯỢNG ÁP DỤNG
Các doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động kinh
doanh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) được Nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội quyết định chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên (sau đây gọi tắt là công ty).
II. XỬ LÝ TÀI
CHÍNH KHI CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG TY
1. Khi có thông báo của cấp có
thẩm quyền về kế hoạch chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty, doanh nghiệp có
trách nhiệm kiểm kê tài sản, các nguồn vốn và các quĩ hiện có của doanh nghiệp
tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty để ghi trong quyết định chuyển
đổi. Cụ thể:
1.1 Kiểm kê,
xác định số lượng tài sản (tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động
và đầu tư ngắn hạn), đối chiếu với số liệu ghi sổ kế toán để xác định số thừa,
thiếu, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và đề
xuất hướng xử lý đối với tài sản thừa, thiếu. Đánh giá thực trạng và phân loại
tài sản có nhu cầu sử dụng, tài sản không có nhu cầu sử dụng để kiến nghị biện
pháp xử lý đối với từng loại tài sản.
1.2 Kiểm kê và đối chiếu các khoản
công nợ phải thu, phải trả, các nguồn vốn, quỹ, số dư các tài khoản tại ngân
hàng... Đánh giá, phân loại nợ theo qui định hiện hành:
- Đối với nợ phải thu, phải xác
định rõ nợ thu hồi được, nợ khó đòi và nợ không có khả năng thu hồi. Trong đó,
phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với từng khoản
nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi và kiến nghị biện pháp xử lý.
- Đối với nợ
phải trả, phải xác định rõ từng khoản nợ phải trả. Trong đó, phân tích rõ
nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với từng khoản nợ không còn
đối tượng trả và nợ quá hạn để kiến nghị giải pháp xử lý.
2. Căn cứ kết quả kiểm kê, phân
loại tài sản, vốn và số liệu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất, doanh
nghiệp lập phương án xử lý những vấn đề tài chính (trong phương án chuyển đổi)
để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi phương án chuyển đổi (trong đó
có phương án xử lý tài chính) được phê duyệt, doanh nghiệp chủ động thực hiện
việc xử lý những vấn đề về tài chính theo qui định sau:
2.1. Đối với
tài sản:
- Tài sản không có nhu cầu sử dụng,
tài sản ứ đọng, chờ thanh lý: doanh nghiệp được nhượng bán, thanh lý theo quy định
hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước. Chênh lệch giữa số tiền thu được từ
nhượng bán, thanh lý với giá trị còn lại của tài sản và chi phí thanh lý, nhượng
bán, hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.
- Tài sản
thuê, mượn, giữ hộ, nhận ký gửi: tuỳ theo nhu cầu mà doanh nghiệp thoả thuận với
người có tài sản cho thuê, cho mượn, ký gửi để tiếp tục kế thừa hoặc thanh lý
các hợp đồng thuê, mượn... trước khi chuyển đổi.
- Chênh lệch tài sản kiểm kê:
doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân thừa thiếu và xử lý như sau:
+ Đối với tài sản dôi thừa doanh
nghiệp không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu: doanh nghiệp
hạch toán tăng vốn Nhà nước tương ứng với giá trị thực tế của tài sản dôi thừa.
+ Đối với tài
sản thiếu hụt, mất mát và các khoản tổn thất khác về tài sản: Khoản chênh lệch
giữa giá trị còn lại của tài sản theo sổ sách với tiền bồi thường của cá nhân,
tập thể có liên quan hoặc cơ quan bảo hiểm (nếu có) được bù đắp bằng quỹ dự
phòng tài chính; nếu thiếu được trừ vào vốn Nhà nước hoặc vốn của tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị - xã hội có tại doanh nghiệp.
2.2. Đối với
các khoản nợ phải thu, phải trả:
- Đối với các khoản nợ phải trả:
công ty có trách nhiệm kế thừa và thanh toán các khoản nợ phải trả cho các chủ
nợ theo cam kết, kể cả nợ thuế và các khoản nợ ngân sách, nợ cán bộ công nhân
viên.
Các khoản nợ phải trả nhưng
không còn đối tượng trả thì doanh nghiệp hạch toán tăng vốn chủ sở hữu.
- Đối với các khoản nợ phải thu:
Công ty có trách nhiệm tiếp nhận các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp chuyển
đổi và thu hồi các khoản nợ đến hạn có thể thu hồi được.
Các khoản nợ
phải thu không có khả năng thu hồi (bao gồm các khoản nợ còn lại của đối tượng
nợ đã hoàn thành việc giải thể, phá sản, người nợ đã chết không có người thừa kế;
người nợ đang thi hành án hoặc bỏ trốn đã quá 2 năm không thanh toán được nợ; các
khoản nợ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định xoá nợ; chênh lệch thiệt hại
do bán nợ) doanh nghiệp sử dụng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi và quỹ dự
phòng tài chính để bù đắp sau khi trừ tiền bồi thường của cá nhân hoặc tập thể
có liên quan. Nếu các quĩ này không đủ để bù đắp thì phần chênh lệch thiếu sẽ
được giảm trừ vào vốn Nhà nước hoặc vốn của các tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội có tại doanh nghiệp trước khi chuyển đổi.
2.3 Các khoản dự phòng giảm giá
hàng hoá tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, dự phòng nợ phải thu
khó đòi, quỹ dự phòng tài chính, dự phòng mất việc làm, sau khi bù đắp các khoản
tổn thất tài sản, nợ phải thu không thu hồi được vẫn còn số dư thì doanh nghiệp
chuyển số dư sang công ty để tiếp tục sử dụng.
3. Trong thời
hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp lập báo cáo
tài chính tại thời điểm chuyển đổi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và làm
cơ sở để bàn giao cho công ty. Báo cáo tài chính lập theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp phải thuyết minh rõ việc xử lý tài sản tổn thất, công nợ không thu
hồi được phải ghi giảm vốn; tài sản dôi thừa, nợ không phải trả được ghi tăng vốn.
- Thẩm quyền phê duyệt báo cáo
tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương.
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đối với các doanh nghiệp do Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
+ Lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội đối với các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội quản lý.
+ Hội đồng quản trị các Tổng
công ty Nhà nước đối với doanh nghiệp là thành viên của Tổng công ty Nhà nước
do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
4. Vốn chủ sở hữu thực có của
công ty tại thời điểm chuyển đổi xác định trên cơ sở báo cáo tài chính được duyệt
tại thời điểm chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm số dư các
tài khoản: TK 411 - nguồn vốn kinh doanh, TK 441 - nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ
bản và TK 414 - quỹ đầu tư phát triển.
Vốn điều lệ của công ty được xác
định trên cơ sở yêu cầu, qui mô phát triển và khả năng huy động vốn của công
ty, bao gồm số vốn thực có tại thời điểm chuyển đổi, số vốn bổ sung dần trong
quá trình kinh doanh của công ty và vốn cam kết bổ sung của chủ sở hữu (nếu
có).
Đối với các tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội chưa được Nhà nước bàn giao quyền sở hữu đối với số vốn
Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cần xác định rõ vốn thuộc sở hữu của các tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và vốn của nhà nước thực có tại
doanh nghiệp (nếu có). Nhà nước uỷ quyền cho các tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với các ngành, nghề kinh
doanh mà pháp luật qui định phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty
không được thấp hơn vốn pháp định.
Trường hợp bổ sung vốn cho công
ty, phải ghi rõ số vốn bổ sung và thời hạn cam kết bổ sung. Chủ sở hữu công ty
có trách nhiệm đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty theo đúng thời hạn đã cam kết.
Trường hợp chủ sở hữu không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì phải chịu
trách nhiệm theo qui định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp.
5. Doanh nghiệp
bàn giao cho công ty toàn bộ tài sản, vốn có đến thời điểm chuyển đổi, cùng các
hồ sơ, tài liệu liên quan. Việc giao, nhận tài sản, vốn, quỹ, công nợ... từ
doanh nghiệp sang công ty phải có biên bản làm căn cứ để quản lý, theo dõi, kiểm
tra, giám sát.
Những tài sản không cần dùng, ứ
đọng, chờ thanh lý được xác định trong phương án chuyển đổi, doanh nghiệp chưa
xử lý xong được chuyển sang công ty tiếp tục xử lý.
Tất cả các tài sản của doanh
nghiệp khi chuyển đổi đều được tính bằng giá trị.
6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội
đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội được uỷ quyền là đại diện chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên có trách nhiệm quản lý số vốn nhà nước, vốn của các tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo qui định của chế độ hiện hành.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị
các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Bộ Tài
chính để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.