Thông tư 24-PC/TT-1984 hướng dẫn thi hành Nghị định 62-HĐBT-1984 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh và huyện do Trọng tài nhà nước ban hành

Số hiệu 24-PC/TT
Ngày ban hành 21/05/1984
Ngày có hiệu lực 05/06/1984
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Tô Duy
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-PC/TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 1984

 

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 24-PC/TT NGÀY 21-5-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 62-HĐBT NGÀY 17-4-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ BỘ, TỈNH, HUYỆN.

Ngày 17 tháng 4 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 62-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện.

Sau khi bàn bạc thống nhất với đồng chí Trưởng ban Ban tổ chức Chính phủ, Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định nói trên như sau.

I. VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ BỘ, TỈNH, HUYỆN

Chức năng, nhiệm vụ của Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện đã được quy định ở các Điều 1, 4 và 5 của Nghị định số 62-HĐBT ngày 17-4-1984 của Hội đồng Bộ trưởng.

Hai nhiệm vụ chính của trọng tài kinh tế là quản lý công tác hợp đồng kinh tế và xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế. Cả hai nhiệm vụ ấy đều phải được coi trọng, không được xem nhẹ nhiệm vụ nào. Hai nhiệm vụ ấy đều có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau và đều nhằm thúc đẩy việc chấp hành nghiêm túc chế độ hợp đồng kinh tế.

Từ hai nhiệm vụ chính đó, đòi hỏi trọng tài kinh tế phải làm tốt 3 chức năng tham mưu, pháp lý và quản lý. Làm chức năng tham mưu cho thủ trưởng ngành và chính quyền địa phương về công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế; làm chức năng pháp lý trong việc đẩy mạnh công tác thanh tra và xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế; và làm chức năng quản lý trong việc gắn công tác hợp đồng kinh tế với công tác kế hoạch hoá từ khâu xây dựng, bảo vệ, xét duyệt kế hoạch đến khâu thực hiện kế hoạch, góp phần vào việc cải tiến và tăng cường quản lý, củng cố chế độ hạch toán kinh tế.

A. VỀ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ CÔNG TÁC HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Quản lý công tác hợp đồng kinh tế mà cốt lõi là quản lý chế độ hợp đồng kinh tế bao gồm các công việc nghiên cứu tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thi hành chính sách, luật lệ về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế và kiểm tra. Còn chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế là nhiệm vụ và trách nhiệm chính của các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở như đã quy định ở các Điều 4 và 6 của điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ.

1. Về công tác nghiên cứu: Công tác nghiên cứu của trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện thể hiện trên các công việc cụ thể dưới đây:

a) Hàng năm, căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước của bộ hoặc địa phương, trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện nghiên cứu và trình Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương ra chỉ thị về việc ký kết hợp đồng kinh tế, nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch của bộ hoặc địa phương. Nội dung chỉ thị phải nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước giao cho bộ hoặc địa phương; những loại hợp đồng kinh tế chủ yếu cần phải ký kết trong năm kế hoạch; các đơn vị ký kết và thời gian hoàn thành việc ký kết hợp đồng.

Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh giao cho huyện và căn cứ vào chỉ thị trên đây của tỉnh, trọng tài kinh tế huyện dự thảo và trình Uỷ ban nhân dân huyện ra chỉ thị về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong phạm vi huyện cho sát hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của huyện, nhưng nhất thiết phải bảo đảm tiến độ chung về xây dựng và thực hiện kế hoạch do tỉnh đề ra.

b) Tham gia với cơ quan kế hoạch và tổ chức khác thuộc bộ, địa phương trong việc dự thảo các hợp đồng nguyên tắc như đã quy định ở khoản 2, Điều 4 của Nghị định.

Nội dung hợp đồng nguyên tắc gồm có các điều khoản chủ yếu: nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh giao cho mỗi bên phải thực hiện, thể hiện bằng các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng sản phẩm hoặc công việc; các điều kiện về giá cả và thanh toán; thời gian giao nhận sản phẩm; thời gian có hiệu lực của hợp đồng nguyên tắc. Yêu cầu trọng tài kinh tế ngành, các địa phương tích cực tham gia với cơ quan kế hoạch cùng cấp trong việc dự thảo hợp đồng này. Trọng tài kinh tế Nhà nước sẽ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ quản lý các hợp đồng nguyên tắc.

c) Trọng tài kinh tế bộ còn có nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức khác trong bộ nghiên cứu xây dựng các điều lệ ký kết từng chủng loại hợp đồng kinh tế thuộc phạm vi quản lý của bộ như quy định ở Điều 4 của Nghị định. Thí dụ: Điều lệ ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá do Bộ Giao thông vận tải xây dựng. Điều lệ ký kết hợp đồng cung ứng vật tư do Bộ Vật tư xây dựng... Theo quy định hiện hành, trọng tài kinh tế Nhà nước có trách nhiệm tham gia với bộ chủ quản trong quá trình xây dựng điều lệ trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành. Đối với thể lệ ký kết từng mặt hàng cụ thể thuộc thẩm quyền bộ ban hành, thì trong quá trình xây dựng, cần lấy ý kiến và được sự thoả thuận của Trọng tài kinh tế Nhà nước, để bảo đảm các văn bản ấy được xây dựng phù hợp với các quy định của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế.

d) Thông qua việc quản lý công tác hợp đồng kinh tế và xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế mà chủ động đề xuất và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách, chế độ về quản lý kinh tế có liên quan đến kế hoạch, tài chính, giá cả, ngân hàng, cung ứng vật tư, giao nhận sản phẩm... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế; đồng thời, đề xuất và kiến nghị với cơ quan trọng tài kinh tế cấp trên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, luật lệ về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế cho phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới công tác kế hoạch hoá.

2. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn:

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật lệ về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế phải làm thường xuyên, liên tục, thiết thực, nhằm làm cho mọi người hiểu rõ và chấp hành đúng. Có thể tiến hành công tác này bằng các hình thức sau đây:

- Triệu tập đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc bộ hoặc địa phương quản lý để phổ biến, hướng dẫn thi hành chính sách và luật lệ nói trên theo quy định ở khoản 1, Điều 6 của Nghị định.

- Lấy những vụ xét xử điển hình để giáo dục phòng ngừa chung hoặc qua công tác kiểm tra, thanh tra mà biểu dương những đơn vị ký kết và thực hiện tốt hợp đồng đã góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

- Qua sơ kết, tổng kết công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế của ngành, địa phương mà tuyên truyền, giới thiệu những kết quả đạt được cũng như những tồn tại thiếu sót trong lĩnh vực công tác này.

- Kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền phát hành các tập luật lệ về hợp đồng kinh tế, trọng tài kinh tế và những văn bản pháp luật có liên quan.

- Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo để giải đáp pháp luật về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế hoặc tuyên truyền, giới thiệu những vụ xét xử điển hình cũng như những nơi chấp hành tốt chế độ hợp đồng kinh tế.

b) Công tác hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế phải gắn công tác kế hoạch và bảo đảm tính pháp lý của hợp đồng.

- Bước xây dựng kế hoạch: Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan hướng dẫn các đơn vị cơ sở ký kết hợp đồng từ số kiểm tra để xây dựng và bảo vệ kế hoạch trước cấp trên trực tiếp của mình.

- Bước thực hiện kế hoạch: Trong bước này, nội dung hướng dẫn của trọng tài kinh tế nhằm bảo đảm chấp hành đúng đắn nguyên tắc, chế độ hợp đồng kinh tế, hướng vào những vấn đề chủ yếu như tư cách pháp nhân của các bên ký kết hợp đồng; nội dung hợp đồng có bao gồm những điều khoản chủ yếu và có theo đúng các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước không? Việc ký kết hợp đồng có bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi chưa? Còn việc hướng dẫn cụ thể nội dung từng điều khoản của hợp đồng cho phù hợp với tính chất từng loại sản phẩm, hàng hoá (như quy cách, phẩm chất, thời gian bảo hành, bao bì đóng gói, phương thức giao nhận) là nhiệm vụ và trách nhiệm chính của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị cơ sở. Đối với những loại hợp đồng kinh tế có đặc điểm riêng mà Nhà nước chưa có những quy định đầy đủ và thích hợp, thì trọng tài kinh tế phối hợp với các cơ quan quản lý hữu quan để hướng dẫn cho các bên tự thoả thuận ký kết hợp đồng theo đúng quy định ở Điều 10 của điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế.

Đối với những hợp đồng ký kết giữa quốc doanh với các tổ hợp tác sản xuất tiểu, thủ công nghiệp hoặc giữa quốc doanh với tư nhân, thì tuy hợp đồng có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký, các bên ký kết phải gửi các bản hợp đồng đó đến trọng tài kinh tế huyện, quận hoặc Uỷ ban nhân dân cùng cấp (nơi chưa thành lập trọng tài kinh tế) để giám sát, kiểm tra nội dung các bản hợp đồng có phù hợp với các quy định của pháp luật không? Nếu phát hiện những sai sót làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của tập thể, thì trọng tài kinh tế hay Uỷ ban nhân dân huyện, quận có quyền buộc các bên hữu quan sửa đổi hoặc huỷ bỏ các hợp đồng đó.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ