Thông tư 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 24/2023/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 11/12/2023
Ngày có hiệu lực 26/01/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2023/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN “ĐƠN VỊ HỌC TẬP” CẤP HUYỆN, TỈNH

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh bao gồm: thẩm quyền, mức độ, tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã); các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là huyện); các cơ quan chuyên trách thuộc, trực thuộc tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện; tổ chức xã hội cấp huyện; tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp huyện; các tổ chức kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ sở giáo dục; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân cấp tỉnh; các cơ quan chuyên trách thuộc, trực thuộc tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh; tổ chức xã hội cấp tỉnh; tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp tỉnh; các tổ chức kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện là nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp tỉnh là trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học và các cơ sở giáo dục và đào tạo khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương.

3. Đơn vị cấp huyện là Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; Ban chỉ huy quân sự cấp huyện; Công an cấp huyện; Liên đoàn Lao động cấp huyện; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp huyện; Hội nông dân cấp huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện; Hội cựu chiến binh cấp huyện; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện; Hội khuyến học cấp huyện và các tổ chức xã hội cấp huyện, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp huyện khác.

4. Đơn vị cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Công an cấp tỉnh; Liên đoàn Lao động cấp tỉnh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh; Hội nông dân cấp tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh; Hội cựu chiến binh cấp tỉnh; doanh nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp tỉnh; Hội khuyến học cấp tỉnh và các tổ chức xã hội cấp tỉnh, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp tỉnh khác.

5. Cán bộ công nhân viên trong đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; người quản lý tổ chức kinh tế trong Đơn vị cấp huyện, Đơn vị cấp tỉnh.

6. Người lao động trong đơn vị là công nhân, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong Đơn vị cấp huyện, Đơn vị cấp tỉnh.

7. Thành viên trong đơn vị là Cán bộ công nhân viên trong đơn vị, Người lao động trong đơn vị.

8. Người học là học sinh, sinh viên, học viên trong các Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện, tỉnh (không bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện).

9. Văn phòng là phòng; bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chuyên môn; tổ văn phòng; văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các phòng, bộ phận, tổ khác thuộc Đơn vị cấp huyện, Đơn vị cấp tỉnh.

10. Công nhận lại là việc thực hiện lại quy trình đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện đối với Đơn vị cấp huyện, “Đơn vị học tập” cấp tỉnh đối với Đơn vị cấp tỉnh sau khi quyết định công nhận lần trước đó hết thời hạn hiệu lực.

11. Công nhận nâng mức độ là việc công nhận đối với Đơn vị cấp huyện, Đơn vị cấp tỉnh đã được công nhận đạt mức độ 1 có nhu cầu đề nghị công nhận mức độ 2.

Điều 3. Mục đích

1. Xác định Đơn vị cấp huyện, Đơn vị cấp tỉnh đạt mức đáp ứng mục tiêu học tập trong từng giai đoạn, lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì, nâng cao các hoạt động học tập của đơn vị; thông báo công khai với cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng học tập của đơn vị để cơ quan nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh.

2. Công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập; đảm bảo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành “Công dân học tập”, góp phần xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Điều 4. Nguyên tắc đánh giá, công nhận

[...]