Thông tư 23 TC/TCT năm 1994 hướng dẫn sử dụng kinh phí thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 23TC/TCT |
Ngày ban hành | 19/03/1994 |
Ngày có hiệu lực | 19/03/1994 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Phan Văn Dĩnh |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23 TC/TCT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1994 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KINH PHÍ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Điểm 2 - Mục VIII Thông tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993 của Bộ Tài chính quy định: "Tổng Cục thuế được trích số tiền bằng 4,5% trên số thuế sử đất nông nghiệp thu được đảm bảo kinh phí cho đội thuế xã thực hiện việc thu thuế ở xã và hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế các cấp. Khoản kinh phí này do Ngân sách Trung ương chi, Bộ Tài chính cấp theo kế hoạch từng tháng, quý cho Tổng Cục thuế như các khoản kinh phí khác, cuối năm thanh quyết toán theo số thuế thực thu". Nay Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
I- NỘI DUNG CHI CỦA KINH PHÍ:
1/ Chi thù lao cho Cán bộ hợp đồng thu thuế thuộc đội thuế xã, phường.
Mức chi thù lao cho Cán bộ hợp đồng ngắn hạn thấp nhất là: 120.000đ/người/tháng. Số tháng chi cho Cán bộ hợp đồng ngắn hạn xã, phường tối đa không quá 6 tháng trong năm. Đối với Cán bộ hợp đồng ngắn hạn thôn, ấp tối đa không quá 2 tháng trong năm.
2/ Chi cho thành viên Hội đồng tư vấn thuế:
Mức chi cho mỗi thành viên hàng năm tối đa không quá 20% của 2 tháng lương (đối với thành viên là Cán bộ trong biên chế Nhà nước) hoặc không quá 1 tháng thù lao của Cán bộ hợp đồng thu thuế ở xã (đối với thành viên không thuộc biên chế Nhà nước).
3/ Chi cho công tác nghiệp vụ thuế bao gồm:
Tính thuế, lập sổ thuế, quản lý tổ chức thu thuế, thực hiện công tác giảm thuế, miễn thuế, sơ kết và tổng kết công tác thuế ở xã, chi về văn phòng phẩm. Mức chi như sau:
- Các tỉnh từ Thừa thiên - Huế trở ra: 200.000đ/1xã/1năm
- Các tỉnh từ Quảng nam - Đà nẵng trở vào: 350.000đ/1xã/năm.
Căn cứ vào hướng dẫn trên, Cục thuế thực hiện xây dựng định mức chi cụ thể để hướng dẫn các Chi Cục thuế thực hiện. Nhưng phải bảo đảm tổng số kinh phí chi cho các nội dung theo định mức hướng dẫn của Cục thuế không vượt quá số kinh phí được Tổng Cục thuế duyệt cấp.
II. LẬP DỰ TOÁN VÀ QUẢN LÝ CẤP PHÁT
1/ Lập dự toán: Dự toán kinh phí được lập cùng với dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của ngành hàng năm. Căn cứ để lập dự toán là:
- Số cán bộ hợp đồng thu thuế ở xã được tạm xác định theo Thông tư số 04 TC/TCCB ngày 3/3/1989 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 156 - HĐBT về tổ chức bộ máy thu quốc doanh và thuế ở cơ quan Tài chính các cấp như sau:
+ Các tỉnh Nam bộ: Từ 3 đến 4 người / 1 xã.
+ Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ : 2 người / 1 xã.
+ Các tỉnh còn lại: 3 người / 1 xã.
Nhưng phải trừ đi số cán bộ thuế xã đã thuộc biên chế Nhà nước được bổ xung trong năm 1993.
- Số cán bộ hợp đồng thu thuế ngắn hạn thôn, ấp tạm xác định mỗi thôn, xóm, ấp, bản 1 người.
2/ Cấp phát: Kinh phí hàng năm được cấp phát theo kế hoạch (dự toán) căn cứ vào số cán bộ hợp đồng thu thuế và thành viên Hội đồng tư vấn thuế các cấp. Trình tự cấp phát như sau:
- Căn cứ vào dự toán của các Cục thuế, Tổng Cục thuế cấp phát hàng tháng theo kế hoạch cho các địa phương cùng với các khoản kinh phí khác.
- Căn cứ vào dự toán của Cục thuế và của các Chi Cục thuế, Cục thuế cấp phát cho các chi Cục thuế hàng tháng.
- Căn cứ vào dự toán được duyệt, Chi Cục thuế thực hiện chi trực tiếp cho các xã, phường trong phạm vi chi cục quản lý.
Nhận được Công văn này, Cục thuế các Địa phương phải khẩn trương lập dự toán, chậm nhất là ngày 30/6/1994 phải có báo cáo về Tổng cục thuế để kịp duyệt và cấp phát chính thức từ tháng 7 năm 1994 ./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |