Thông tư 228-VT/ĐP-1974 hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ, vận dụng trong khu vực vận tải, đóng, sửa chữa phương tiện vận tải, xếp dỡ tập thể nhân dân do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Số hiệu 228-VT/ĐP
Ngày ban hành 04/11/1974
Ngày có hiệu lực 19/11/1974
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Vũ Quang
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 228-VT/ĐP

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 1974 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ PHỤC VỤ, VẬN DỤNG TRONG KHU VỰC VẬN TẢI, ĐÓNG, SỬA CHỮA PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI, XẾP DỠ TẬP THỂ NHÂN DÂN

Thi hành nghị định số 76-CP của Hội đồng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điểm để Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, các Sở, Ty giao thông vận tải, các ngành hữu quan và Ủy ban hành chính các huyện thị, vận dụng, thi hành Điều lệ đăng ký kinh doanh trong khu vực vận tải, đóng, sửa chữa phương tiện vận tải và xếp dỡ.

I. XÁC ĐỊNH TÍNH CHẤT CỦA NGÀNH VẬN TẢI VÀ MỐI QUAN HỆ ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ KHÁC.

1. Ngành vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt; quá trình sản xuất kinh doanh của vận tải không những nằm trong phạm vi địa phương mà còn mở rộng ngoài phạm vi huyện thị, tỉnh; mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của vận tải đều có tác động đến việc kích thích sản xuất, giá thành sản phẩm của các ngành kinh tế, xây dựng kiến thiết cơ bản, lưu thông phân phối, phục vụ đời sống nhân dân.

Từ tính chất đó, việc tổ chức quản lý lực lượng vận tải và cho phép đăng ký hoạt động kinh doanh đối với khu vực vận tải tập thể, cần được quán triệt về nội dung chính sách; về tổ chức quản lý theo hệ thống chuyên ngành, mới phát huy đầy đủ năng lực vận tải, nhằm phục vụ lợi ích Nhà nước và xã hội một cách tích cực. Mặt khác, trên cơ sở thi hành Điều lệ đăng ký kinh doanh của Nhà nước mà cải tạo vận tải cá thể và tăng cường củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng và phát triển lực lượng vận tải tập thể xã hội chủ nghĩa.

2. Sự phát triển và quản lý các lực lượng vận tải tập thể và cá thể:

Năm 1960-1961 ngành giao thông vận tải đã căn bản hoàn thành tổ chức hợp tác hóa, vận tải, xếp dỡ nhân dân trên toàn miền Bắc. Từ đó, toàn bộ lực lượng hợp tác xã vận tải được tiếp tục củng cố và phát triển, sản xuất kinh doanh dưới sự  chỉ đạo trực tiếp của các sở, ty giao thông vận tải thông qua chính sách quản lý ba thống: thống nhất quản lý luồng hàng, thống nhất điều động và thống nhất giá cước.

Lực lượng hợp tác xã vận tải ở mỗi địa phương được phát huy tác dụng tích cực trong vận chuyển theo kế hoạch Nhà nước, phục vụ xây dựng kinh tế, phục vụ nhân dân, hàng năm chiếm tỷ trọng từ 50% đến 80% kế hoạch vận chuyển hàng hóa trong tỉnh. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, lực lượng này cũng được phát huy tác dụng phục vụ chiến đấu, phục vụ chi viện cho tiền tuyến rất tích cực.

Trong quá trình xây dựng, tổ chức hợp tác xã đã khắc phục vượt qua được nhiều khó khăn, nhưng cũng còn những tồn tại về nhiều mặt cần được tiếp tục giải quyết. Song được sự giáo dục chính trị, nâng cao một bước giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nhiều đơn vị hợp tác xã được phát triển và củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng được cơ sở vật chất cho tập thể hợp tác xã; giá trị tài sản tập thể tăng từ mười đến bốn năm mươi lần so với thời kỳ đầu mới thành lập hợp tác xã (1960).

Hiện nay toàn miền Bắc có trên 400 hợp tác xã với trên ba vạn xã viên làm vận tải, xếp dỡ chuyên nghiệp, ngoài ra còn có 1 vạn người làm vận tải cá thể tự tổ chức dưới hình thức tổ, đoàn chưa được quản lý, trong đó có những tổ vận tải chủ lực của các cơ quan, các ngành kinh tế Nhà nước tự tổ chức để vận chuyển cho nội bộ đơn vị mình, nhưng thường lợi dụng kinh doanh vận tải ngoài. Việc hoạt động kinh doanh vận tải tự do của các lực lượng này có tác động không tốt cho việc quản lý thị trường, trật tự xã hội, nhất là ảnh hưởng đến những người xã viên đang hoạt động trong tổ chức hợp tác xã.

3. Đặc điểm về cấu tạo tổ chức hợp tác xã vận tải

Hợp tác xã vận tải là một số đơn vị sản xuất kinh doanh độc lập, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan giao thông vận tải, nhưng hiện nay còn nhiều hợp tác xã chưa quy hoạch vị trí sản xuất cố định; số xã viên trong một hợp tác xã đang cư trú ở nhiều nơi, chịu sự quản lý hành chính của nhiều xã, khu phố, thị xã (do tình hình trước đây trong khi hợp tác hoá , hợp tác xã tập hợp những người làm vận chuyển nhiều nơi, thành một đơn vị tại một địa điểm để thuận tiện cho việc quản lý chỉ đạo hoạt động vận tải, phục vụ kế hoạch Nhà nước.Mặt khác trong quá trình phát triển nhân lực vận tải, được chỉ tiêu Nhà nước giao thì hợp tác xã phải vận động những người đủ tiêu chuẩn làm vận tải từ nông nghiệp và các nghề khác ra, nhưng hộ khẩu cư trú vẫn ở xã cũ).

Trong một đơn vị hợp tác xã, có xã viên trực tiếp làm vận tải, có xã viên đóng sửa chữa phương tiện, có xã viên đánh dây, đan mui thuyền, đóng móng súc vật, cắt cỏ v.v...; có đơn vị hợp tác xã, tổ thuyền, chuyên đóng và sửa chữa phương tiện cho nội bộ khu vực vận tải, trực thuộc ngành giao thông  vận tải quản lý. Ngoài ra còn có hợp tác xã, tổ, tập đoàn đóng thuyền, sửa chữa phương tiện vận tải, có đơn vị có quy mô thiết bị cơ khí sửa  chữa ôtô, máy móc vận tải (lực lượng này phần lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định) do ngành công nghiệp quản lý.

Trong một tỉnh, có những hợp tác xã thuyền do Sở, Ty giao thông  vận tải trực tiếp quản lý, đều phối kế hoạch và chỉ đạo nghiệp vụ, còn lại nhiều hợp tác xã thuyền và hợp tác xã thô sơ thì phân công cho huyện, thị, khu phố quản lý, nhưng ít được quan tâm giúp đỡ về nghiệp vụ sản xuất kinh doanh và quản lý, việc phát triển lực lượng cân đối với yêu cầu phục vụ vận chuyển kế hoạch. Từ đó dẫn đến có nhiều sơ hở, phát sinh nhiều mặt tiêu cực trong vận tải, sự hoạt động của hợp tác xã nhiều nơi có phần bấp bênh, thiếu phương hướng. Ngược lại, có nơi thiếu lực lượng vận tải làm chủ lực cho việc vận chuyển kế hoạch phát triển kinh tế cấp huyện; lực lượng vận tải cá thể phát triển một cách tự do không tổ chức.

Trong khu vực kinh tế vận tải tập thể hiện nay bao gồm: vận tải thuyền sông, thuyền biển, xe bò, xe trâu, xe ngựa, ba gác, xích lô ngựa thồ, sửa chữa, sản xuất phương tiện vận tải, công cụ bốc xếp cơ giới và thô sơ. Mỗi đơn vị hợp tác xã tổ, tập đoàn, tuy có khác nhau về hình thức, quy mô, trình độ tổ chức và  cơ sở  vật chất kỹ thuật, thủ công hoặc nửa cơ giới, xong tất cả đều trực tiếp phục vụ cho vận tải.

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP THỰC HIỆN VIỆC ĐĂNG KÝ KINH DOANH NGÀNH VẬN TẢI, XẾP DỠ

A.XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG VÀ VỊ TRÍ LỰC LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NGÀNH VẬN TẢI.

Lực lượng vận tải thuộc khu vực tập thể trên toàn miền Bắc có một vai trò tích cực trong việc đảm nhiệm nhu cầu vận chuyển trong kế hoạch Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế văn hoá và phục vụ đời sống nhân dân nói chung ở mỗi địa phương nói riêng, chẳng những trước mắt mà còn lâu dài. Do đó, các địa phương thông qua việc tổ chức đăng ký kinh doanh theo điều lệ của Nhà nước đã ban hành mà cũng cố lực lượng này, để phát huy tích cực tác dụng của nó.

B.TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI:

Các Sở, Ty giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện Điều lệ đăng ký kinh doanh ban hành theo Nghị định số 76-CP ngày 8-4-1974 của Hội đồng Chính phủ, tham gia xét duyệt, cho phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vận tải ở địa phương như sau:

1. Nắm vững mục đích và yêu cầu của việc đăng ký kinh doanh được xác định trong điều lệ của Chính phủ đã ban hành và Thông tư số 08 ngày 29-5-1974 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn.

2. Trên cơ sở cân đối nhu cầu vận chuyển và tình hình thực tế của lực lượng vận tải ở địa phương, các Sở, Ty giao thông  vận tải giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành xác định quy hoạch và mạng lưới vận tải, đề xuất việc phân cấp quản lý các lực lượng vận tải, đóng, sửa chữa phương tiện vận tải và xếp dỡ thuộc khu vực tập thể, xây dựng trách nhiệm, chức năng quản lý theo hệ thống toàn ngành, nhằm phát huy triệt để khả năng lực lượng vận tải sẵn có phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân địa phương.

3. Trong khi tiến hành đăng ký kinh doanh ngành vận tải, các Sở, Ty và Phòng giao thông  vận tải có trách nhiệm chính trong việc giúp Hội đồng đăng ký, hướng dẫn lập các hồ sơ và xét duyệt từng đơn vị, cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được phép hoạt động kinh doanh vận tải và tự nguyện tham gia kinh doanh trong tổ chức hợp tác xã theo đúng Điều lệ hợp tác xã vận tải đã được Nhà nước ban hành.

Khi xét duyệt danh sách cán bộ, xã viên, tổ, đoàn viên làm vận tải, cần tranh thủ sự phối hợp chặt chẽ của ngành công an.

Phòng giao thông vận tải huyện,khu phố, thị xã cử cán bộ có đủ thẩm quyền tham gia Hội đồng, vừa làm chức năng tham mưu giúp Ủy ban hành chính huyện, thị, khu phố trong việc tổ chức đăng ký lực lượng vận tải chuyên nghiệp, vừa chịu trách nhiệm trước Sở, Ty giao thông  vận tải theo hệ thống quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện nguyên tắc đã ghi trong khoản 4 điều 3 chương I của Điều lệ. Đồng thời có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính cùng cùng cấp và các Sở, Ty giao thông  vận tải quản lý việc thi hành điều lệ sau khi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đối với đơn vị, cơ sở vận tải.

4. Trong quá trình tiến hành việc đăng ký kinh doanh ngành vận tải trong tỉnh, thành, Sở, Ty giao thông  vận tải phải cử cán bộ chuyên trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn giúp đỡ các Phòng giao thông  vận tải huyện, thị, khu phố trong công tác và phản ánh tình hình cho lãnh đạo Sở, Ty giao thông  vận tải biết .Các Sở, Ty phải kịp thời tham gia góp ý kiến với Hội đồng các huyện, thị, khu phố giải quyết những khó khăn mắc mứu trong khi xét thủ tục và quyết định cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải.

Để thi hành đúng khoản 4 điều 3 chương I của Điều lệ đã quy định, trước khi Hội đồng cấp huyện, thị, khu phố quyết định cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đối với ngành vận tải, phải có sự thoả thuận của Sở, Ty giao thông  vận tải theo quy hoạch thống nhất của ngành.

[...]