Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 203/2015/TT-BTC
Ngày ban hành 21/12/2015
Ngày có hiệu lực 01/07/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán.

2. Thông tư này áp dụng đối với nhà đầu tư, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thành viên giao dịch là công ty chứng khoán được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận trở thành thành viên giao dịch.

2. Hệ thống giao dịch là hệ thống công nghệ thông tin dùng cho hoạt động giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

3. Hệ thống chuyển lệnh là hệ thống thực hiện việc chuyển các lệnh giao dịch của nhà đầu tư từ thành viên giao dịch đến Sở Giao dịch Chứng khoán.

4. Biên độ dao động giá là giới hạn dao động giá chứng khoán quy định trong ngày giao dịch được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) so với giá tham chiếu.

5. Giá tham chiếu là mức giá do Sở Giao dịch Chứng khoán xác định và được dùng làm cơ sở để xác định giá cao nhất (giá trần), giá thấp nhất (giá sàn) trong ngày giao dịch.

6. Phương thức khớp lệnh là phương thức giao dịch do hệ thống giao dịch thực hiện dựa trên so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán. Phương thức khớp lệnh bao gồm khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục.

7. Phương thức thỏa thuận là phương thức giao dịch trong đó các bên tham gia giao dịch thông qua thành viên giao dịch tự thỏa thuận về các điều kiện giao dịch trên hệ thống giao dịch; hoặc các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận, thực hiện giao dịch, sau đó thông qua thành viên giao dịch ghi nhận kết quả giao dịch vào hệ thống giao dịch.

8. Giao dịch ký quỹ là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó chứng khoán vừa mua được sử dụng làm tài sản ký quỹ cho khoản vay nêu trên.

9. Giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.

10. Giao dịch mua, bán bắt buộc (buy-in, sell out) là giao dịch mà công ty chứng khoán, nhà đầu tư buộc phải thực hiện đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán để hoàn trả cho các giao dịch vay hỗ trợ thanh toán hoặc để đáp ứng các quy định pháp luật liên quan khác.

11. Chứng khoán giao dịch chờ về là chứng khoán mà nhà đầu tư đã mua trên hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu.

Chương II

[...]