Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 20/2005/TT-BXD
Ngày ban hành 20/12/2005
Ngày có hiệu lực 21/01/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Tấn Vạn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2005/TT-BXD

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác quản lý cây xanh đô thị như sau:

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH

Thông tư này hướng dẫn công tác quản lý cây xanh đô thị nhằm:

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên toàn quốc phù hợp với Định hướng phát triển đô thị Việt Nam và qui hoạch xây dựng đô thị.

- Đáp ứng mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường đô thị của vùng nhiệt đới, phù hợp và góp phần tạo nên bản sắc riêng của mỗi đô thị.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thông tư này áp dụng đối với mọi tổ chức và cá nhân có liên quan tới các hoạt động về quản lý, tư vấn, đầu tư phát triển, sử dụng và khai thác cây xanh tại các đô thị trên toàn quốc.

III. GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ NGỮ

1. Cây xanh đô thị bao gồm:

a) Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường).

b) Cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân.

c) Cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.

2. Cây xanh trên đường phố bao gồm: cây bóng mát được trồng hoặc có thể là cây mọc tự nhiên, cây trang trí, dây leo trồng trên hè phố, giải phân cách, đảo giao thông.

3. Cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc tự nhiên, có độ tuổi trên 50 năm.

4. Cây được bảo tồn là cây thuộc danh mục loài cây quý hiếm cần bảo tồn để duy trì tính đa dạng di truyền của chúng (nguồn gen) hoặc cây được công nhận có giá trị lịch sử văn hoá.

5. Cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng là những cây có độc tố, có khả năng gây nguy hiểm tới người, phương tiện và công trình.

6. Cây xanh thuộc danh mục cây trồng hạn chế là những cây ăn quả, cây tạo ra mùi gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường hạn chế trồng tại những nơi công cộng, chỉ được phép trồng theo quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành cây xanh hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Cây nguy hiểm là cây có khuyết tật trong quá trình phát triển có khả năng xảy ra rủi ro khi cây hoặc một phần của cây gẫy, đổ vào người, phương tiện và công trình.

8. Vườn ươm cây là vườn gieo, ươm tập trung các loài cây giống theo một quy trình kỹ thuật để nhân giống cây và đảm bảo các tiêu chuẩn cây trồng trước khi xuất vườn.

9. Đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn là đường kính được tính bằng 1/3 chu vi thân cây tại chiều cao 1,3m.

10. Cắt tỉa quá mức quy định: là hành động cắt tỉa lớn hơn 25% chức năng của lá và cành cây gây tổn thương tới sự sống của cây xanh trừ một số loại cây như: cây phát triển chiều cao là chính, ít phát triển tán; cây Bonsai; cây cảnh tạo tán hoặc cây trong trường hợp phải dịch chuyển.

11. Tỉa ngọn cây không đúng kỹ thuật có nghĩa là hành động cắt tỉa bớt những cành có đường kính lớn hoặc chặt cụt thân cây.

[...]