BỘ THƯƠNG BINH VÀ
XÃ HỘI
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 19-TBXH
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 09 năm 1978
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 193-CP NGÀY 02/8/1978 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ VÀ ĐỒNG BÀO Ở MIỀN NAM
ĐÃ THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ ĐẾN NAY CHƯA RÕ TIN TỨC
Ngày 02 tháng 8 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã có quyết định
số 193-CP về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam
đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức
Để thi hành quyết định nói trên, Bộ thương binh và xã hội hướng
dẫn cụ thể một số điểm sau đây.
I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH
Trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vô cùng quyết liệt
của nhân dân ta ở miền Nam, qua việc xác nhận và thi hành chính sách đối với
thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và đối với cán bộ, quân nhân từ trần,
còn có những người tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ
tin tức, mà nguyện vọng của các gia đình này đều mong muốn Nhà nước ta sớm có
chính sách đối với người thân của mình.
Ở miền Bắc, trước đây Chính phủ đã quy định chế độ đối với gia
đình của cán bộ, chiến sĩ vào công tác, chiến đấu ở miền Nam
chưa rõ tin tức, nhưng cũng mới có chế độ trợ cấp hàng tháng cho những người đủ
điều kiện được hưởng.
Vì vậy, việc Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 193-CP
về chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam đã tham gia kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức (dưới đây gọi tắt là những
người tham gia kháng chiến chưa rõ tin tức), là nhằm giải quyết một cách toàn
diện chính sách đối với những người đã tham gia kháng chiến, và thể hiện sự
quan tâm chăm sóc của Đảng và Chính phủ đối với những người đã góp phần cống hiến
cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH VÀ CÁCH THỨC THỰC
HIỆN CHÍNH SÁCH
A. Đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền
Nam
đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức.
1. Theo điều 1 của quyết định số 193-CP, những cán bộ, chiến
sĩ và đồng bào ở miền Nam đã công tác, chiến đấu và làm nhiệm vụ trong kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay chưa rõ tin tức, thì gia đình được hưởng
chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ kể từ ngày 17 tháng 6 năm 1976. Dưới
đây nói rõ thêm như sau:
a) Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào thuộc đối tượng được hưởng
chính sách nói ở đây là những người đã thực sự tham gia vào một trong các tổ chức
kháng chiến do Đảng và chính quyền ta tổ chức và lãnh đạo, gồm:
- Cán bộ và chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang và nửa vũ
trang nhân dân;
- Cán bộ và nhân viên thuộc các ngành dân chính, Đảng các cấp;
- Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, giao liên…;
- Nhân dân được tổ chức cách mạng phân công nhiệm vụ.
b) Được coi là đã công tác, chiến đấu và làm nhiệm vụ trong
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (tính từ năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm
1975) đến nay chưa rõ tin tức, mà không có nghi vấn gì là đầu hàng, phản bội,
đi theo địch, hoặc đào ngũ, hoặc còn sống, hoặc chết vì tai nạn, ốm đau, để được
hưởng chính sách, những trường hợp sau đây:
Đã thực sự làm những việc mà nếu biết rõ là đã hy sinh thì được
xác nhận là liệt sĩ, nhưng sau đó bị mất tin, mất tích, như:
- Chiến đấu với địch, hoặc trực tiếp phục vụ các trận đánh;
- Trực tiếp đấu tranh chính trị hoặc đấu trang binh vận (có tổ
chức) với địch;
- Vì làm nhiệm vụ cách mạng, bị địch bắt;
- Anh dũng làm những việc khó khăn, nguy hiểm vì lợi ích của
cách mạng, của nhân dân.
Biết chắc chắn là đã thoát ly hẳn gia dình và đã thực sự tham
gia vào một tổ chức kháng chiến (như quân đội, các ngành dân, chính Đảng từ cấp
huyện trở lên, thanh niên xung phong tập trung…) nhưng rồi không biết tin tức
gì cả. Do tình hình phức tạp của hoàn cảnh chiến tranh trước đây, chỉ nên kết
luận và giải quyết chính sách đối với những trường hợp thật rõ ràng, chắc chắn
đã thoát ly hoạt động cách mạng.
c) Chế độ trợ cấp mà gia đình của những người tham gia kháng
chiến chưa rõ tin tức được hưởng theo đúng chế độ trợ cấp tiền tuất đối với gia
đình liệt sĩ ở miền Nam quy định tại nghị định số 8-NĐ/76 ngày 17/6/1976 của Hội
đồng Chính phủ, thông tư số 5-TT/76 ngày 17/06/1976 của Chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các văn bản khác hướng dẫn về chế độ trợ cấp
tiền tuất đối với gia đình liệt sĩ (bao gồm các quy định về thân nhân được hưởng
trợ cấp, về loại trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng, về mức trợ cấp, về cách
tính trợ cấp, về ngày hưởng trợ cấp, …)
Kinh phí trợ cấp đối với gia đình của những người tham gia
kháng chiến chưa rõ tin tức do ngân sách trung ương đài thọ. Bộ Thương binh và
xã hội quản lý và phân phối kinh phí này cho các địa phương.
2. Trong khi gia đình của những người tham gia kháng chiến
chưa rõ tin tức được hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ, các cơ
quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp tục tìm kiếm, xác minh để kết luận. Nếu sau
hai năm tìm kiếm xác minh (kể từ ngày gia đình được quyết định hưởng chế độ trợ
cấp như đối với gia đình liệt sĩ) mà vẫn không có chứng cớ là đầu hàng, phản bội
đi theo địch, hoặc đào ngũ, hoặc còn sống hoặc đã chết vì tai nạn, ốm đau, thì
những người chưa rõ tin tức nói trên được xác nhận là liệt sĩ và gia đình được
hưởng mọi quyền lợi của gia đình liệt sĩ.
Trường hợp đã được xác nhận hưởng chế độ trợ cấp như đối với
gia đình liệt sĩ, hoặc đã được xác nhận là liệt sĩ, nhưng sau đó nếu có chứng cớ
là đầu hàng, phản bội, đi theo địch, hoặc đào ngũ, hoặc còn sống, hoặc đã chết
vì tai nạn, ốm đau, thì phải đình chỉ việc hưởng chính sách, hoặc chuyển sang
hưởng chế độ khác.
3. Để đảm bảo việc xác nhận và giải quyết chính sách đối với
cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở miền Nam tham gia kháng chiến chưa rõ tin tức được
chính xác, việc lập hồ sơ xác nhận sẽ tiến hành như sau:
a) Hồ sơ ban đầu xác nhận người tham gia kháng chiến chưa rõ
tin tức để gia đình được hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ, lập
thành hai bản, gồm các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận người tham gia kháng chiến chưa rõ tin tức
do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã được quy định cấp giấy chứng nhận hy
sinh, hoặc giấy báo tử đối với liệt sĩ, xét cấp. Để việc cấp giấy chứng nhận được
chính xác, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần căn cứ vào chứng nhận của người
biết rõ sự việc, vào tổ chức trực tiếp quản lý người chưa rõ tin tức, vào địa
phương nơi gia đình của người chưa rõ tin tức cư trú hoặc vào tài liệu do gia
đình xuất trình, có sự thẩm tra, xác minh kỹ trước khi cấp giấy chứng nhận.
- Giấy chứng nhận tình hình thân nhân của người tham gia kháng
chiến chưa rõ tin tức (như giấy chứng nhận tình hình thân nhân của liệt sĩ), do
Ủy ban nhân dân xã, phường nơi gia đình của người chưa rõ tin tức đang cư trú,
xét cấp.
Các Ty, Sở thương binh và xã hội nơi gia đình của người tham
gia kháng chiến chưa rõ tin tức cư trú, có trách nhiệm xét duyệt kỹ hồ sơ, nếu
thấy hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, thì ra quyết định trợ cấp và cấp phiếu trả trợ cấp
cho gia đình như chế độ trợ cấp đối với gia đình liệt sĩ (dùng chung phiếu trả
trợ cấp cho thương binh, gia đình liệt sĩ) rồi gửi về Bộ một bản hồ sơ hoàn chỉnh
để Bộ kiểm tra lại và lưu giữ để sau này dùng làm căn cứ cấp bằng Tổ quốc ghi
công (Bộ gửi kèm theo đây bản hướng dẫn việc đăng ký hồ sơ của những người tham
gia kháng chiến chưa rõ tin tức)
b) Sau hai năm tìm kiếm, xác minh (kể từ ngày gia đình được
quyết định hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ), Ty, Sở thương
binh và xã hội có trách nhiệm xem xét nếu không có chứng cớ là đầu hàng, phản bội
đi theo địch hoặc đào ngũ, còn sống hoặc chết vì tai nạn, ốm đau, thì làm giấy
đề nghị xác nhận liệt sĩ gửi về Bộ để xét cấp bằng Tổ quốc ghi công, và sau đó,
Ty, Sở sẽ cấp sổ gia đình liệt sĩ và chuyển gia đình sang hưởng chế độ gia đình
liệt sĩ
B. Đối với cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc vào
công tác, chiến đấu ở miền Nam,
đến nay chưa rõ tin tức
Trước đây, Hội đồng Chính phủ đã có quyết định số 110-CP ngày
13/4/1977 quy định kể từ ngày 01/7/1977, các gia đình của cán bộ, chiến sĩ vào
công tác, chiến đấu ở miền Nam chưa rõ tin tức sẽ thôi hưởng chế độ đang hưởng
(chế độ trợ cấp B) để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng như chế độ trợ cấp đối với
gia đình liệt sĩ. Bộ thương binh và xã hội đã có thông tư số 10-TBXH ngày
10/6/1977 hướng dẫn thi hành quyết định nói trên.
Nay theo quy định tại điều 2 của quyết định số 193-CP, những
cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc vào công tác, chiến đấu ở miền Nam chư rõ tin tức,
đã hết thời hạn quy định là hai năm tìm kiếm, xác minh kể từ khi có quyết định
hưởng chế độ trợ cấp như đối với gia đình liệt sĩ, nếu không có chứng cớ là đầu
hàng, phản bội, hoặc đào ngũ, hay chết vì tai nạn ốm đau, thì cán bộ, chiến sĩ
nói trên được xác nhận là liệt sĩ và gia đình được hưởng mọi quyền lợi của gia
đình liệt sĩ.
Để được xác nhận là liệt sĩ, hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ đi
công tác B chưa rõ tin tức phải được lập thành hai bản, gồm các giấy tờ sau
đây:
- Giấy chứng nhận cán bộ, chiến sĩ đi công tác B chưa rõ tin tức,
do cơ quan, đơn vị điều động và quản lý cán bộ, chiến sĩ đi công tác B (cấp có
thẩm quyền quy định cấp giấy chứng nhận hy sinh, hoặc giấy báo tử đối với liệt
sĩ), xét cấp;
- Giấy chứng nhận tình hình thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đi
công tác B chưa rõ tin tức, do Ủy ban nhân dân xã nơi gia đình cư trú, xét cấp.
Dưới đây là cách giải quyết cụ thể đối với gia đình của cán bộ,
chiến sĩ đi công tác B chưa rõ tin tức:
Đối với những trường hợp mà gia đình đang được hưởng trợ cấp
hàng tháng như đối với gia đình liệt sĩ theo quyết định số 110-CP, thì khi đến
thời hạn hai năm kể từ ngày gia đình được hưởng trợ cấp, cơ quan, đơn vị quản
lý cán bộ, chiến sĩ đi công tác B cấp giấy chứng nhận cán bộ, chiến sĩ đi công
tác B chưa rõ tin tức, chuyển đến Ty, Sở thương binh và xã hội nơi gia đình cư
trú để hướng dẫn các xã làm giấy chứng nhận tình hình thân nhân. Ty, Sở thương
binh và xã hội sẽ xét duyệt hồ sơ, ra quyết định trợ cấp cho gia đình (trợ cấp
lần đầu và tiếp tục trợ cấp hàng tháng), cấp sổ gia đình liệt sĩ và gửi về Bộ một
bản hồ sơ hoàn chỉnh để xét cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Đối với những trường hợp thuộc diện thi hành quyết định số
110-CP, nhưng do thân nhân chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng, thì khi
đến thời hạn hai năm kể từ ngày ban hành quyết định số 110-CP, cơ quan, đơn vị
quản lý cán bộ, chiến sĩ đi công tác B cấp giấy chứng nhận cán bộ, chiến sĩ đi
công tác B chưa rõ tin tức để Ty, Sở thương binh và xã hội xét quyết định trợ cấp
tiền tuất một lần, cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và gửi về Bộ một hồ sơ
hoàn chỉnh để xét cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Đối với gia đình của cán bộ, chiến sĩ đi công tác B chưa rõ
tin tức từ miền Bắc được chuyển về miền Nam
từ sau ngày giải phóng thì được hưởng trợ cấp như sau:
- Nếu đã được trợ cấp hàng tháng như đối với gia đình liệt sĩ
theo quyết định số 110-CP rồi mới về miền Nam,
thì được hưởng trợ cấp lần đầu và được tiếp tục trợ cấp hàng tháng từ ngày thôi
hưởng ở miền Bắc.
- Nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng
chưa được trợ cấp hàng tháng theo quyết định số 110-CP thì được trợ cấp lần đầu
và trợ cấp hàng tháng từ ngày 17 tháng 6 năm 1976 hoặc từ ngày thôi hưởng chế độ
trợ cấp B ở miền Bắc (nếu đã hưởng chế độ trợ cấp B đến sau ngày 17 tháng 6 năm
1976)
- Nếu trong gia đình chưa có thân nhân nào đủ điều kiện hưởng
trợ cấp hàng tháng thì được trợ cấp tiền tuất một lần.
Hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ đi công tác B chưa rõ tin tức mà
gia đình từ ở miền Bắc được chuyển về miền Nam sau ngày giải phóng, phải có chứng
nhận về việc trả nợ cấp ở miền Bắc và phải gửi về Bộ xem xét kỹ trước khi Ty, Sở
giải quyết trợ cấp tiền tuất cho gia đình.
Việc xác nhận và thi hành chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ
và đồng bào đã tham gia kháng chiến, đến nay chưa rõ tin tức là một yêu cầu cấp
thiết đối với gia đình có người góp phần cống hiến cho sự nghiệp cách mạng,
nhưng cũng là một công việc rất phức tạp, vì số lượng đông, gồm nhiều loại đối
tượng, nhiều loại trường hợp mất tin, mất tích trong nhiều thời điểm khác nhau,
do đó, phải được tiến hành tích cực, khẩn trương, nhưng thận trọng và chính
xác, đảm bảo giải quyết đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn chính sách.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan quan
tâm chỉ đạo và thực hiện tốt chính sách này. Trong quá trình thực hiện, nếu có
gì vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh cho Bộ thương binh và xã hội để nghiên
cứu giải quyết.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG BINH VÀ
XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Đắc Hương
|