Thông tư 19-BLĐ/TT-1982 hướng dẫn Quyết định 117-HĐBT-1982 ban hành bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 19-BLĐ/TT
Ngày ban hành 17/09/1982
Ngày có hiệu lực 01/10/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Đào Thiện Thi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-BLĐ/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1982

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 19-BLĐ/TT NGÀY 17 - 9 - 1982 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 117-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NGÀY 15 - 7 - 1982 VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN DANH MỤC SỐ 1 CÁC CHỨC VỤ VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 117-HĐBT ngày 15-7-1982 ban hành bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng. Bản danh mục các chức vụ viên chức Nhà nước ban hành theo quyết định này nhằm "làm cơ sở cho việc xây dựng chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước; làm căn cứ để xây dựng biên chế hợp lý các cơ quan, xí nghiệp; để tổ chức lao động khoa học; để lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí các loại cán bộ, viên chức Nhà nước, đồng thời cũng làm căn cứ để xác định các chế độ tiền lượng và phụ cấp".

Bản danh mục là văn bản pháp quy áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước quản lý ở các ngành, các cấp; liên quan đến tất cả viên chức Nhà nước không những về tên gọi, về tiêu chuẩn nghiệp vụ mà cả nhiều vấn đề như tổ chức bộ máy, phân công lao động, lề lối làm việc khoa học; liên quan đến việc đào tạo, đánh giá, xếp lương, lựa chọn và đề bạt viên chức.

Tổ chức thực hiện quyết định này là một quá trình phấn đấu lâu dài; là một cuộc vận động mang đầy đủ tính cách mạng và khoa học; ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ về tâm lý xã hội của mỗi viên chức Nhà nước. Vì vậy, tất cả các ngành, các cấp phải có kế hoạch tổ chức triển khai ngay và hoàn thành chậm nhất vào tháng 12 năm 1983 như nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định.

Căn cứ vào quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, Bộ Lao động hướng dẫn như sau.

II. VỀ CHỨC DANH GỐC

1. Cách ứng dụng bản danh mục số 1:

Bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước gồm 203 chức danh theo quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng là bản chức danh gốc làm cơ sở cho các cơ quan Nhà nước xây dựng chức danh đầy đủ cho tất cả viên chức.

2. Phạm vi ứng dụng chức danh:

Trong phần 3 bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng đã quy định cách sử dụng một số chức danh. Các ngành, các cấp tuyệt đối không được sử dụng ngoài những quy định ấy. Nếu thấy cần có những điểm bổ sung thì phải đề nghị lên Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Để làm rõ cách ứng dụng của một số chức danh khác trong bản danh mục số 1 này, Bộ Lao động giải thích thêm như sau:

a) Chức danh "phó" được áp dụng tuỳ theo yêu cầu cần thiết và căn cứ vào điều lệ tổ chức bộ máy, cơ quan quy định. Tuy nhiên, theo chế độ thủ trưởng, chức danh "phó" là phó cho thủ trưởng chứ không phải là "phó" cho đơn vị (cơ quan, xí nghiệp). Vì vậy, từ nay thống nhất đặt từ "phó" lên trước ở tất cả các cấp. Ví dụ: phó chủ tịch, phó Bộ trưởng, phó vụ trưởng, phó viện trưởng, v.v...

Bất cứ cấp nào khi đã có chức danh phó đều có phó thứ nhất.

b) Chức danh "viện trưởng", Viện là cơ quan nghiên cứu khoa học, sản phẩm của Viện là các đề tài khoa học. Như vậy từ nay chỉ những cơ quan nghiên cứu khoa học gọi là Viên và người đứng đầu là "viện trưởng". Còn các cơ quan hiện nay mang tên Viện nhưng sản phẩm chủ yếu là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoặc không phải là đề tài khoa học thì cần xem xét đổi lại tên tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chứ không gọi là Viện.

c) Các chức danh phụ như "trưởng", "chính", "trợ lý", "cấp cao", "cấp II", "cấp I", được dùng cho viên chức chuyên môn và tạo thành một hệ thống chức vụ từ cao đến thấp; tuỳ theo sự phát triển ngành, nghề và điều kiện quản lý, sản xuất đi vào chuyên môn sâu mà mỗi hệ thống chức vụ có thể có 4 cấp chức vụ, 3 cấp chức vụ hoặc ít hơn.

Ví dụ:

a) Thanh tra viên cấp cao

Thanh tra viên trung cấp

Thanh tra viên sơ cấp.

b) Bác sĩ chuyên khoa cấp II

Bác sĩ chuyên khoa cấp I

Bác sĩ.

c) Giáo sư cấp II

Giáo sư cấp I

Giảng viên

Giảng viên trợ lý.

[...]