Thông tư 19/2000/TT-BYT hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 19/2000/TT-BYT
Ngày ban hành 24/11/2000
Ngày có hiệu lực 09/12/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Ngọc Trọng
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2000/TT-BYT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 19/2000/TT-BYT NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN XÉT CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
Căn cứ Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân.
Bộ Y tế hướng dẫn việc xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Thông tư này là văn bản do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) xem xét và cấp cho cá nhân có đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức và kinh nghiệm nghề nghiệp để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh (sau đây gọi là đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh) theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Điều 2. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: Bác sĩ, dược sỹ (đăng ký hành nghề xét nghiệm), cử nhân tốt nghiệp đại học về sinh học, hoá học, y sỹ, trung học y.

Điều 3. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chỉ cấp cho cá nhân, không cấp cho tổ chức, mỗi cá nhân chỉ được cấp 01 chứng chỉ được dùng chứng chỉ này để đăng ký dịch vụ khám, chữ bệnh tại một địa điểm.

Người được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải nộp lệ phí theo quy định hiện hành.

Điều 4. Người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh không được chuyển nhượng, cho người khác mượn, thuê hoặc sử dụng chứng chỉ để đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN XÉT CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH

Điều 5. Tiêu chuẩn chung:

1. Cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

1.1. Phải có bằng tốt nghiệp tại các Trường Đại học Y, dược, các Trường Đại học khác, các Trường Cao đẳng, Trung học y và có đủ thời gian hành nghề theo quy định đối với từng loại hình hành nghề.

1.2. Phải có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khoẻ để hành nghề khám, chữa bệnh.

1.3. Hiểu biết về Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 46/CP ngày 6/8/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế.

1.4. Hiểu biết 12 điều quy định về y đức (Ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 6/1/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Quy chế Bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Quy chế quản lý chất thải y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

1.5. Phải cam kết thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (Điểm 1.3, 1.4), các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Người đang bị kỷ luật, bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm với người bệnh, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án tù nhưng chưa được xoá án hoặc bị Toà án kết án vì vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, thì không được xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Điều 6. Tiêu chuẩn cụ thể: Ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 5 của Thông tư này, người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký Bệnh viện, đăng ký Doanh nghiệp làm dịch vụ khám, chữa bệnh phải là bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa đã thực hành 5 năm tại Bệnh viện nhà nước, Bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện có vốn đầu tư của nước ngoài.

2. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.

2.1. Phòng khám đa khoa:

Bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

2.2. Phòng khám nội:

Bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa nội đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

Ở các vùng núi cao, y sỹ đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp hay bác sỹ đã thực hành 3 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

[...]