Thông tư 184-TTg năm 1958 về phân cấp quản lý tài chính đối với cấp xã do Phủ Thủ tướng ban hành

Số hiệu 184-TTg
Ngày ban hành 08/04/1958
Ngày có hiệu lực 23/04/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VẤN ĐỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CẤP XÃ

Sau ngày hòa bình được lập lại, để tăng cường quản lý tài chính quốc gia, nâng cao ý thức trách nhiệm của địa phương, Thủ tướng Phủ đã ban hành chế độ phân cấp quản lý tài chính cho tỉnh. Hiện nay ngoài tổng dự toán tỉnh là một bộ phận của tổng dự toán quốc gia, tỉnh còn quản lý cả ngân sách xã nữa. Làm như vậy có nhiều điểm không lợi.

Tỉnh tập trung đại bộ phận kinh phí của ngân sách xã lên tỉnh, phần để lại cho xã rất ít. Phần lớn các khoản chi tiêu của xã đều do tỉnh cấp phát. Xã chưa có một ngân sách riêng do Ủy ban Hành chính xã quản lý, do đó chưa tăng cường quyền hạn và nâng cao ý thức trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã trong việc quản lý tài chính xã, chưa phát huy được tính tích cực của xã trong việc khai thác các nguồn thu cũng như trong việc bảo đảm những khoản chi để làm các công trình có lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Tình trạng phổ biến là tỉnh coi ngân sách xã như một qũy riêng của tỉnh, dùng để chi tiêu cho những công tác mà tổng dự toán tỉnh không đảm bảo được; hiện tượng chi tiêu nhập nhằng giữa tổng dự toán tỉnh và ngân sách xã phổ biến, gây trở ngại cho việc đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ và chính sách tài chính đã ban hành.

Vì vậy, để xây dựng cho xã một ngân sách xã riêng do Ủy ban Hành chính xã quản lý, chấm dứt tình trạng tỉnh quản lý hai ngân sách, Chính phủ chủ trương.

1) Giao cho xã một số thu và một số chi để thành lập riêng cho xã một ngân sách xã do Ủy ban Hành chính xã quản lý.

2) Ngân sách của xã sẽ gồm những khoản thu chi sau đây:

a) Về thu:

- 12% thủ tục phí thuế sát sinh.

- Thu về đò ngang.

- Thu về hoa lợi công sản của xã (đầm, hồ, ao, cây cối, hoa quả,v.v.…).

- Thu về lệ phí chợ.

- Các thứ thu khác trong phạm vi xã.

Một tỷ lệ phụ thu về thuế nông nghiệp (tỷ lệ này do Ủy ban Hành chính tỉnh ấn định).

Bộ Tài chính sẽ cùng các Bộ và các địa phương nghiên cứu để tăng thêm nguồn thu cho xã.

b) Về chi:

- Chi về làm các cống tiểu thủy nông, làm cầu, đường, tu sửa bến đò ngang, tu sửa và xây dựng chợ, v.v…

- Chi về văn hóa xã hội: báo chí, tuyên truyền phí, tu sửa trường lớp và sắm thêm bàn ghế (nếu quỹ bảo trợ nhà trường không đủ), tu sửa nhà hộ sinh, sắm dụng cụ y tế và hộ sinh, v.v…

- Chi về hành chính: trợ cấp cán bộ xã, văn phòng phí, dầu đèn hội nghị xã,v.v…

3) Những khoản chi sau đây nay ghi vào tổng dự toán tỉnh: chi về trợ cấp xây dựng các công trình trung thủy nông, chi về các đường dân sinh kinh tế trong tỉnh, chi về giáo dục cấp I, chi về phòng bệnh và huấn luyện đào tạo cán bộ y tế, củng cố dân quân du kích, chi về sửa chữa các chợ lớn và các bến đò lớn.

Để đảm bảo kinh phí cho tổng dự toán tỉnh, sẽ ghi các khoản thu sau đây vào tổng dự toán tỉnh: một phần phụ thuế nông nghiệp, các hoa lợi nông sản lớn, thu về lệ phí chợ lớn, thu về phà và đò ngang lớn

4) Việc phân cấp quản lý cho xã sẽ thực hiện dần dần từng bước, đi đôi với việc củng cố xã, huấn luyện cán bộ, nhưng cần phải tiến hành tích cực ngay trong năm nay.

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thi hành thông tư này.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng