Thông tư 18-LĐ-TT-1964 hướng dẫn biện pháp đề phòng tai nạn lao động về mắt đối với công nhân cơ khí do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 18-LĐ-TT
Ngày ban hành 10/11/1964
Ngày có hiệu lực 25/11/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1964

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP ĐỀ PHÒNG TAI NẠN LAO ĐỘNG VỀ MẮT ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN CƠ KHÍ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

 - Các bộ, tổng cục quản lý sản xuất.
 - Các ủy ban hành chính khu, tỉnh, và thành phố
 - Các sở, ty, phòng lao động.

Hiện nay ở các xí nghiệp cơ khí việc ngăn chặn các tai nạn lao động do phoi, bụi hay mảnh kim loại bắn vào mắt công nhân là một vấn đề cấp thiết phải giải quyết để bảo vệ sức khỏe cho công nhân phục vụ sản xuất. Một số xí nghiệp đã có chú ý nghiên cứu những biện pháp đề phòng nhưng nói chung nhiều xí nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến tình hình tai nạn đó, chưa thấy hết tác hại của các tai nạn về mắt.

Các tai nạn này xảy ra ở khắp các bộ phận sản xuất trong nhà máy nhưng nhiều nhất là đối với công nhân điều khiển các máy công cụ (tiện, phay, bào, mài…), công nhân cạo gi, chặt sắt, tán ri-vê, gò hàn và nguội. Ở những xí nghiệp có thống kê tai nạn lao động tương đối đầy đủ thì tỷ lệ tai nạn về mắt thường chiếm từ 40 đến 50% tổng số tai nạn, có nhiều trường hợp nặng phải điều trị hàng tháng và một số trường hợp đã làm hỏng mắt công nhân.

Nguyên nhân để xảy ra tai nạn nói trên chủ yếu do chưa làm được những thiết bị an toàn hoặc có nhưng chưa tốt, việc tổ chức và bố trí nơi làm việc chưa hợp lý, việc giáo dục nhắc nhở công nhân cũng như ý thức chấp hành các quy định về kỹ thuật an toàn của công nhân chưa đầy đủ. Mặt khác việc tổ chức cấp cứu tai nạn về mắt chưa kịp thời…

Để ngăn chặn các tai nạn về mắt nói trên, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, đẩy mạnh sản xuất, Bộ Lao động đề nghị các Bộ, các Tổng cục quản lý sản xuất, các Ủy ban hành chính địa phương chỉ thị cho các xí nghiệp thuộc quyền quản lý thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

1. Nghiên cứu làm thiết bị an toàn và đôn đốc sử dụng đầy đủ kính phòng hộ lao động.

a) Để chống tai nạn về mắt một cách tích cực, các xí nghiệp phải chú ý nghiên cứu áp dụng các thiết bị an toàn, cụ thể phải đặt chụp hút bụi và hơi nóng ở các lò rèn, làm lưới chắn ở bàn nguội có hai hàng ê-tô, làm thiết bị chắn (hoặc hút) bụi ở máy mài, làm chắn phoi ở máy tiện, đặt lá chắn đề phòng các hạt kim loại nóng văng ra khi đang đổ khuôn ở máy đúc ly tâm…

Những xí nghiệp được trang bị các máy tiện của nước ngoài (như máy tiện 1K62, 1A616…) đã có che chắn phoi bằng loại kính tốt hoặc máy mài đã có thiết bị hút bụi thì cần hướng dẫn và đôn đốc công nhân sử dụng.

b) Ngoài thiết bị an toàn, kính phòng hộ cá nhân có tác dụng tốt trong việc bảo vệ mắt, chống sang chấn ở nhiều xí nghiệp do sử dụng tốt kính phòng hộ lao động đã làm giảm tỷ lệ tai nạn về mắt xuống một cách rõ rệt. Do vậy, các xí nghiệp phải mua sắm, cấp phát đầy đủ kính phòng hộ cho công nhân làm việc ở những nơi có nhiều bụi, nhất là công nhân làm việc ở các máy công cụ, công nhân cạo gỉ, hàn, nguội và đôn đốc anh em sử dụng.

2. Tổ chức và bố trí chỗ làm việc cho tốt:

a) Nghiên cứu việc sử dụng và đặt quạt chống nóng cho hợp lý để vừa đảm bảo chống nóng tốt, vừa tránh để quạt thổi bụi sẵn có ở sàn nhà, ở các máy móc, thiết bị, bụi ở trên các chi tiết đang gia công vào mắt công nhân.

Cần đặt quạt ở vị trí thích hợp, hướng theo chiều gió để tăng thêm tác dụng thông gió đưa được không khí sạch vào chỗ làm việc và đẩy không khí bẩn ra ngoài, đồng thời tránh được những luồng gió quẩn hắt bụi vào mắt công nhân.

Tốc độ gió của quạt vừa phải, không dùng quạt có tốc độ gió quá mạnh sẽ làm công nhân đứng gần quạt dễ bị mệt và tung bụi nhiều.

Muốn chống nóng tốt đồng thời đỡ được bụi phải nghiên cứu việc thông gió thiên nhiên bằng cách mở thêm cửa, hoặc dùng quạt hút ra đặt ở tường trên cao để hút thải hơi nóng, không khí bẩn ra ngoài. Hết sức tránh đặt quạt thấp thổi phoi bụi tạt ngang thẳng vào mặt công nhân, hoặc nghiên cứu áp dụng biện pháp phun mưa nhân tạo hay dùng loa gió, hạn chế bớt việc dùng quạt để tránh được tai nạn do phoi bụi bắn vào mắt mà vẫn đảm bảo chống nóng tốt (Bộ Lao động đã có công văn số 875-LĐ-BH ngày 16-6-1964 hướng dẫn về vấn đề này).

b) Đảm bảo đủ ánh sáng cho các nơi làm việc, nhất là đối với công nhân đứng ở máy công cụ gia công chính xác, ánh sáng đủ sẽ làm cho công nhân làm việc thoải mái, không phải nhìn sát vào vật gia công đỡ bị phoi bắn vào mắt.

Chú ý lợi dụng ánh sáng thiên nhiên bằng cách mở thêm cửa sổ, thay cửa chớp bằng cửa kính và thường xuyên lau chùi cửa kính, đỡ phải dùng đèn ban ngày, hạn chế được tai nạn về mắt và đảm bảo chỗ làm việc được thoáng mắt.

Ánh sáng nhân tạo phải đều không được chói quá để đỡ làm mỏi mắt, vì nếu mắt bị mỏi, độ nhạy cảm của mắt chống phoi bụi sẽ kém và dễ bị tai nạn, nên các đèn chiếu sáng phải có chụp đèn và bố trí sao cho ánh sáng không chiếu thẳng vào mắt công nhân; và cần nghiên cứu việc dùng đèn huỳnh quang thay cho đèn thường vì ánh sáng đèn huỳnh quang dịu hơn và hiệu suất sử dụng ánh sáng lớn hơn, độ tỏa nóng không cao.

c) Bố trí các bộ phận làm việc cho hợp lý; những bộ phận phát sinh ra nhiều bụi như sàng cát, chuẩn bị đất làm khuôn, làm sạch vật đúc bằng hơi khí ép ở các phân xưởng đúc phải bố trí chỗ làm việc riêng để hạn chế bớt ảnh hưởng của bụi đối với các bộ phận khác. Hoặc như bộ phận hàn hơi, hàn điện phải có khu vực làm việc riêng, nếu không bố trí khu vực làm việc riêng được thì phải có tấm chắn để ngăn tia bức xạ khỏi ảnh hưởng đến những công nhân làm việc gần đó.

Ngay trong những bộ phận làm việc có nhiều bụi, việc bố trí công nhân ngồi làm việc cũng phải đặc biệt chú ý để hạn chế bớt ảnh hưởng bụi sang những người bên cạnh, như không được để công nhân ngồi sàng đất, cát dọc theo hướng gió, người ngồi cuối dãy sẽ bị bụi nhiều…

Các máy công cụ như tiện, phay, bào, mài không nên bố trí quá gần nhau để tránh phoi, bụi kim loại bắn sang người đứng máy bên cạnh.

d) Phải thường xuyên kiểm tra các máy móc, dụng cụ cầm tay như búa, đục, chạm chặt sắt… để phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hỏng, tránh để sứt mẻ, gẫy văng vào mắt; dễ gây tai nạn.

e) Tăng cường công tác vệ sinh ở nơi làm việc, cụ thể: thu dọn kịp thời phoi kim loại ở các máy công cụ, thường xuyên lau chùi máy móc, thiết bị, quét dọn chỗ làm việc cho sạch sẽ; tổ chức tưới nước nền nhà ở những nơi có nhiều bụi; hàng tuần hoặc hàng tháng lau chùi cánh cửa, quét bụi ở tường hoặc trần nhà.

3. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân

Phải thường xuyên giáo dục và kiểm tra, nhắc nhở công nhân chấp hành đầy đủ các quy định về kỹ thuật an toàn nhất là đối với công nhân mới vào nghề, tránh các hiện tượng làm ẩu như dùng miệng thổi bụi trên bề mặt vật gia công bị bụi quẩn bay vào mắt hoặc không chịu sử dụng kính phòng hộ khi tiện, mài hay làm việc ở những nơi nhiều bụi. Tổ chức phổ biến những kinh nghiệm tốt chống phoi bụi cho tất cả công nhân học tập. Mỗi khi xảy ra tai nạn về mắt nghiêm trọng phải tổ chức kiểm điểm, phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn, rồi phổ biến chung trong xí nghiệp để rút kinh nghiệm đề phòng tai nạn tái diễn.

4. Tổ chức việc cấp cứu kịp thời các tai nạn về mắt.

[...]