Thông tư 18/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 18/2017/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 21/07/2017
Ngày có hiệu lực 05/09/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bùi Văn Ga
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2017/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP

Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 2785/BNV-CCVC ngày 26 tháng 5 năm 2017 về việc dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).

2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập được áp dụng quy định tại Thông tư này để tham gia dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Điều 2. Nguyên tắc thi thăng hạng

1. Việc cử viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học công lập.

2. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Điều kiện dự thi

Viên chức được cử đi dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên khi có đủ các điều kiện sau:

1. Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.

2. Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.

3. Được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

4. Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Điều 4. Miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Miễn thi ngoại ngữ đối với viên chức thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo; văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành.

b) Đã có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.

c) Đã có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (B1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II); chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).

[...]