Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT năm 2015 Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Số hiệu 18/2015/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 24/04/2015
Ngày có hiệu lực 10/06/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2015/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước dưới các hình thức đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây viết tắt là đề tài), dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ (sau đây viết tắt là dự án) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thực hiện đề tài, dự án cấp Bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ).

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tuyển chọn là việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực và kinh nghiệm đảm bảo khả thi cao nhất để thực hiện đề tài, dự án của Bộ thông qua việc xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn theo những yêu cầu, tiêu chí nêu trong Thông tư này.

2. Giao trực tiếp là việc Bộ giao trực tiếp cho tổ chức có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp để thực hiện đề tài, dự án của Bộ.

3. Cơ quan quản lý khoa học là cơ quan được Bộ giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý đề tài, dự án gồm Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổng cục quản lý chuyên ngành.

Chương II

QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. XÁC ĐỊNH DANH MỤC ĐẶT HÀNG ĐỀ TÀI, DỰ ÁN

Điều 3. Yêu cầu đối với đề tài, dự án

1. Yêu cầu chung

a) Có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, tập trung các vấn đề trọng tâm của ngành, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện. Riêng đối với đề tài kế thừa, nêu rõ kết quả đã đạt được ở giai đoạn trước và những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết tiếp.

2. Yêu cầu riêng đối với đề tài a) Mục tiêu, sản phẩm rõ ràng.

b) Công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ dự kiến: đảm bảo tính mới, tiên tiến so với sản phẩm khoa học và công nghệ hiện có; có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả; được hoàn thành ở dạng mẫu để chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm; có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ; có địa chỉ tiếp nhận kết quả.

c) Có phương án khả thi để phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ.

3. Yêu cầu riêng đối với dự án

a) Công nghệ hoặc sản phẩm khoa học và công nghệ của dự án: có xuất xứ từ kết quả nghiên cứu của đề tài đã được hội đồng khoa học và công nghệ (cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp Tỉnh) đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị triển khai áp dụng hoặc kết quả khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích; đảm bảo tính ổn định ở quy mô sản xuất nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất lớn.

[...]